Hãng bán lẻ nhảy vào thị trường di động

12/11/2023 08:03

Các hệ thống bán lẻ bất ngờ "tham chiến" thị trường di động với việc cung cấp mạng di động ảo nhằm tăng tiện ích, chăm sóc khách hàng tốt hơn

Doanh nghiệp (DN) kinh doanh mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) không sở hữu hạ tầng viễn thông mà mua lưu lượng từ các nhà mạng có sẵn rồi bán lẻ cho người dùng.

Giải mã sức hấp dẫn

Năm 2019, Công ty CP Viễn thông Di động Đông Dương Telecom (gọi tắt là Đông Dương Telecom) khai trương dịch vụ viễn thông iTel, trở thành nhà mạng ảo đầu tiên với đầu số 087. Đến hết năm 2021, nhà mạng này đã phát triển được gần 3 triệu thuê bao.

Công ty Mobicast năm 2020 cũng cho ra đời mạng di động ảo thứ hai ở Việt Nam với thương hiệu Reddi, đầu số 055, sau đó chuyển giao cho Tập đoàn Masan và đổi tên thành mạng Wintel. Công ty Viễn thông ASIM cung cấp mạng di động ảo thương hiệu Local với thử nghiệm dựa trên đầu số của MobiFone.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những DN bán lẻ đang sở hữu lượng khách hàng lớn nhìn thấy cơ hội khai thác dịch vụ mạng ảo để xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái đa dạng của mình. Trong đó, The Sherpa - công ty con của Tập đoàn Masan - đã mua lại 70% cổ phần Công ty Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỉ đồng. Sở hữu hệ thống bán lẻ rộng khắp từ các công ty thành viên và liên kết gồm Masan Consumer, WinCommerce, Phúc Long... với gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng dịch vụ số, Masan cần có giải pháp tích hợp sản phẩm, dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng.

Hãng bán lẻ nhảy vào thị trường di động - Ảnh 1.

Các nhà bán lẻ hàng điện máy, công nghệ khai thác mạng di động ảo để làm phong phú thêm cho hệ sinh thái tổng hợp, qua đó phục vụ khách hàng tốt hơn

"Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng "Point of Life" và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. "Point of Life" là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt" - đại diện Tập đoàn Masan giải thích.

FPT Retail thì sở hữu nhiều hệ thống bán lẻ điện máy, công nghệ, thuốc với hơn 800 cửa hàng FPT Shop, khoảng 1.300 cửa hàng dược phẩm Long Châu. Dự kiến ra mắt thị trường vào đầu năm 2024, mạng di động ảo góp phần hoàn thiện thêm hệ sinh thái của FPT gồm bán lẻ, thương mại điện tử, internet, truyền hình, truyền thông...

Đại diện FPT Retail cho hay DN cung cấp mạng di động ảo nhằm tăng tiện ích cho khách hàng và tăng sự tương tác thân thiết giữa khách hàng với DN. Dịch vụ di động ảo của FPT Retail tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích công nghệ số và trải nghiệm số.

Theo chuyên gia công nghệ Đặng Hồng Thạnh, mạng di động ảo với cơ chế hoạt động dựa trên sóng dữ liệu của nhà mạng chính như VinaPhone, MobiFone... đem lại lợi ích lớn cho DN. DN có thể thiết kế nhiều gói cước hấp dẫn và dịch vụ phù hợp cho các đối tượng khách hàng, bao gồm cả cuộc gọi điện thoại. Chi phí tiết kiệm được từ việc không phải đầu tư hạ tầng có thể tập trung để phát triển kênh phân phối, truyền thông, marketing, chăm sóc khách hàng.

Nhiều nhà bán lẻ còn ngại

Tuy thị trường mạng di động ảo thể hiện sức hút lớn song một số nhà bán lẻ điện máy, công nghệ tỏ ra không mặn mà.

Đại diện Thế Giới Di Động thông tin chưa có kế hoạch triển khai mạng di động ảo. Hiện tại, nhà bán lẻ này tập trung chăm sóc khách hàng bằng các hình thức truyền thống như tặng quà, gọi điện tư vấn hoặc qua các kênh fanpage, OA Zalo...

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, cho biết CellphoneS đang kinh doanh một số mạng di động ảo như Wintel của Masan, iTel của Đông Dương Telecom. Các mạng di động ảo có ưu điểm là sử dụng hạ tầng của nhà mạng lớn nên tốc độ và chất lượng khá tốt. DN không phải đầu tư cơ sở hạ tầng trạm phát sóng nên chi phí ban đầu thấp, có điều kiện để nhà mạng đưa ra các gói cước hấp dẫn cho người dùng. Trước khi các mạng này dừng phát triển thuê bao theo hình thức trực tuyến, người dùng có thể dễ dàng đăng ký sim chỉ với vài thao tác đơn giản mà không cần ra các điểm giao dịch.

"Tuy nhiên, các thương hiệu mạng ảo vẫn còn mới mẻ với đa số người tiêu dùng. Mặt khác, cần quản lý chặt nhóm các mạng ảo này để tránh nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ để các đầu nậu sim rác mua, kích hoạt số lượng lớn và tung ra thị trường với giá rẻ" - ông Huy lo ngại. 

Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 5 DN khai thác mạng di động ảo gồm: Đông Dương Telecom, Công ty Mobicast (sau này chuyển giao cho Tập đoàn Masan), Công ty Viễn thông ASIM, Công ty TNHH Dịch vụ số Digilife Việt Nam và FPT Retail. Trong đó, mạng di động ảo của Đông Dương Telecom và Masan sử dụng hạ tầng của VinaPhone; còn mạng của ASIM, Digilife và FPT Retail sử dụng hạ tầng của MobiFone.

Sau thời gian ngắn ra mắt, các mạng di động ảo nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng trẻ bởi giá gói cước hấp dẫn, có thể dùng song song với các mạng chính để tiết kiệm chi phí truy cập internet.

Bạn đang đọc bài viết "Hãng bán lẻ nhảy vào thị trường di động" tại chuyên mục XE - CÔNG NGHỆ. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com