Nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Nam

15/11/2022 12:42

(Chinhphu.vn) – Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho hay, từ khi tái lập vào năm 1997, tỉnh Quảng Nam đã đặt vấn đề thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo lên hàng đầu. Hiện Quảng Nam có Khu kinh tế mở Chu Lai, 14 khu công nghiệp (KCN) và 92 cụm công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích 83.000 ha. Tỉnh Quảng Nam đã thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Kết quả đã huy động được quy mô khá lớn vốn đầu tư phát triển, đạt 217.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD) trong giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng bình quân 12%/năm. 

Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn  thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, thời gian gần đây đã có sự phát triển rõ rệt, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Năm 2019, ước tính có khoảng 25 dự án hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp FDI.

Các dự án chủ yếu tập trung trong các khu, cụm công nghiệp với các sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may như: Vải, sợi, hoàn thiện sản phẩm dệt (bao gồm tẩy, nhuộm vải dệt), hồ vải, chỉ, khuy nút, dây kéo, nhãn mác, in các loại hoa văn lên vải, bao bì giấy, nhựa cho ngành may và kim dệt may. Đến nay, đã hình thành KCN hỗ trợ dệt may tại KCN Tam Thăng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp ngành dệt may.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 dự án hoạt động tập trung trong các khu công nghiệp (13 doanh nghiệp FDI; 13 doanh nghiệp trong nước). Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là hơn 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động.

Nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô với thế mạnh là Tập đoàn THACO là điểm sáng và tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Hiện nay, THACO đã có 7 nhà máy lắp ráp ô tô, trong đó có 2 nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. 

Cùng với các nhà máy lắp ráp ô tô, THACO đã đầu tư xây dựng 12 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng trên diện tích 93 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.690 tỷ đồng, sản xuất các sản phẩm: Linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch; linh kiện composite; kính ô tô; máy lạnh xe tải, bus và xe du lịch; cản xe du lịch; ghế và áo ghế; bộ dây điện; nhíp; linh kiện thân vỏ ô tô và nhiều linh kiện phụ tùng khác cho ô tô.

Ngoài ra, những năm gần đây Quảng Nam cũng đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư trong lĩnh vực này như một số nhà máy của Hàn Quốc: Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô như CTR Vina với vốn đầu tư 27 triệu USD ; nhà máy phụ trợ ô tô bằng đùn chất dẻo với vốn đầu tư 10,3 triệu USD; nhà máy sản xuất vải túi khí của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với vốn đầu tư 35 triệu USD; nhà máy sản xuất mô tơ phanh bơm chân không bằng điện tử của xe ô tô với vốn đầu tư 5 triệu USD…

Nhìn chung, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô đã có bước phát triển mạnh. Việc hình thành khu công nghiệp cơ khí ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai là điểm nhấn về công nghiệp sản xuất ô tô không những của tỉnh Quảng Nam mà còn của quốc gia. 

"Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang triển khai xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai trình Thủ tướng", ông Nguyễn Thanh Quang cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, có được kết quả khả quan trên là nhờ các chính sách của tỉnh đối với công nghiệp chế biến, chế tạo; sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai cùng các KCN là đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển công nghiệp. 

Đặc biệt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Chính phủ đã cho phép thực hiện những chính sách ưu đãi liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh như: Thuế thu nhập doanh nghiệp "4 miễn 9 giảm", thuế xuất nhập khẩu, VAT… Bên cạnh đó, việc tiếp cận hạ tầng dễ dàng, các tiến bộ trong cải cách thể chế thị trường theo hướng hội nhập đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quốc tế tham gia đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các KCN ven biển miền Trung, mà Khu kinh tế mở Chu Lai mà một điểm sáng.

Lưu Hương


Bạn đang đọc bài viết "Nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quảng Nam" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com