Lăng kính chứng khoán 25/3: Sự cân nhắc rủi ro được đưa lên hàng đầu

25/03/2024 08:30

Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ các vị thế có sẵn và chỉ giải ngân trong các nhịp rung lắc về vùng hỗ trợ để tìm kiếm được các vị thế tốt hơn.

Thị trường chứng khoán trải qua một tuần giao dịch tích cực khi chỉ số hồi phục và tiếp tục duy trì đà tăng sau đợt giảm mạnh vào 2 phiên đầu tuần giúp VN-Index chạm mốc 1.280 điểm.

Kết tuần, VN-Index tăng 18,02 điểm, tương đương 1,43% so với tuần trước lên 1.281,8 điểm. HNX tăng 0,89% lên 241,68 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng trở lại dẫn dắt thị trường với nhiều mã tăng mạnh, vượt đỉnh, thanh khoản gia tăng nổi bật với TCB tăng 8,45%, VIB tăng 7,56%, MBB tăng 5,25%, BID tăng 3,83%... Ba mã BID, VCB và CTG tác động tích cực nhất đến VN-Index với đóng góp gần 4,5 điểm cho chỉ số. 

Thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch trên HoSE đạt 27.484,54 tỷ đồng/phiên, tăng 15,7% so với tuần trước.

Điểm trừ là khối ngoại tiếp đà bán ròng, chủ yếu trên HoSE với giá trị 3.102 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 2.609 tỷ đồng, HNX bán ròng 90 tỷ đồng.

Về diễn biến trong tuần giao dịch tới, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Agriseco và ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh Tp.HCM CTCK DSC đều cho rằng VN-Index đang trong vùng kháng cự đáng lưu ý, nhiều khả năng rung lắc sẽ tiếp tục diễn ra. Dù vậy, hiện chưa có lý do kích hoạt trong ngắn hạn để thị trường giảm sâu.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 25/3: Sự cân nhắc rủi ro được đưa lên hàng đầu

 Diễn biến chỉ số VN-Index tuần từ 18 - 22/3 (Nguồn: TradingView).

Người Đưa Tin (NĐT): Ông có đánh giá gì về diễn biến giao dịch tuần qua?

Ông Nguyễn Anh Khoa: Đà tăng của chứng khoán Việt Nam có sự tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Điểm đáng lưu ý, mặc dù dòng tiền tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm ngành, tuy nhiên kết quả giao dịch lại không đồng đều và chỉ có nhóm ngân hàng là động lực chính cho đà hồi phục của chỉ số.

Dòng tiền gia nhập mạnh mẽ trong tuần qua khi tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn cao hơn khoảng 16% so với bình quân 5 tuần gần nhất. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2023.

Ông Bùi Văn Huy: Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam hoàn toàn đồng pha với những diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới. Sau phiên họp tháng 3 của Fed không có tín hiệu "diều hâu" nào đáng kể thêm, thị trường chứng khoán thế giới đều đồng loạt phục hồi mạnh. Thị trường chứng khoán Mỹ dẫn dắt với việc lập đỉnh cao mới.

Bối cảnh trong nước sau kỳ họp của Fed cũng không có quá nhiều nguy cơ đáng ngại trong tuần tới khi thông tin chung về Fed đã trải qua êm xuôi với thị trường chứng khoán toàn cầu.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 25/3: Sự cân nhắc rủi ro được đưa lên hàng đầu (Hình 2).

 Diễn biến giao dịch của khối ngoại.

NĐT: Theo ông, nhà đầu tư cần lưu ý những thông tin gì trong tuần tới?

Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong ngắn hạn, việc dòng tiền luân chuyển nhưng phần đa chỉ có nhóm ngân hàng tăng giá cho thấy rủi ro về khả năng xuất hiện một nhịp phân phối chung. Với việc VN-Index đang trong vùng kháng cự đáng lưu ý, nhiều khả năng rung lắc với biên độ lớn sẽ tiếp tục diễn ra và sẽ cần thêm thời gian để quan sát về khả năng hấp thụ lượng cung tại vùng điểm số này.

Sau mỗi nhịp tăng nóng, thị trường thường sẽ cần thời gian để tích lũy/phân phối nhằm rũ bỏ những nhà đầu tư có vị thế yếu và mở ra cơ hội để nhà đầu tư có thể tham gia, dòng tiền mới đổ vào thị trường.

Điều này tương đối hợp lý ở thời điểm hiện tại khi mà thị trường sẽ cần một nhịp tạm nghỉ trước khi đón nhận các thông tin quan trọng trước thời điểm đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp lớn trên sàn sắp diễn ra.

Ông Bùi Văn Huy: Vùng quanh 1.300 điểm là vùng kháng cự rất mạnh và không hẳn là dễ để vượt qua. Tuy nhiên, cơ hội để vượt ngưỡng 1.300 điểm đã tăng lên so với tuần trước nhờ bối cảnh đã bớt áp lực hơn và sự đồng pha của chứng khoán toàn cầu.

Nhà đầu tư cần lưu ý khối lượng và độ rộng thị trường vẫn có dấu hiệu phân kỳ với giá. VN-Index bứt lên nhưng số lượng các mã mất xu hướng tăng ngắn hạn tăng lên, hiện chỉ còn khoảng 60% các mã trên HoSE duy trì được đà tăng ngắn hạn, so với mốc khoảng 80% vùng đỉnh gần nhất, đây là dấu hiệu suy yếu.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng nếu rung lắc có xảy ra thì chưa có lý do kích hoạt trong ngắn hạn để thị trường giảm sâu.

NĐT: Theo ông, nhà đầu tư nên hành động ra sao trong thời điểm này?

Ông Nguyễn Anh Khoa: Trong ngắn hạn, mức độ rủi ro đối với các vị thế giải ngân mới sẽ cao. Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ các vị thế có sẵn và chỉ giải ngân trong các nhịp rung lắc về vùng hỗ trợ để tìm kiếm được các vị thế tốt hơn.

Trong bối cảnh quý I/2023 là quý có lợi nhuận giảm mạnh nhất trong năm 2023 khi hoạt động kinh doanh của hầu hết các nhóm ngành đều đi lùi, tôi kỳ vọng quý I/2024 sẽ có nhiều nhóm ngành có mức tăng trưởng tích cực bao gồm: thép, cao su, chứng khoán, bán lẻ và ngành chăn nuôi.

Ông Bùi Văn Huy: Nhìn chung với thanh khoản hiện tại và bối cảnh không có gì quá đáng ngại, các cơ hội ngắn hạn sẽ luôn xuất hiện dù thị trường có bứt phá hay không.

Tuy nhiên ở vùng giá cao thì với mỗi giao dịch, sự cân nhắc lợi nhuận/rủi ro cần được đưa lên hàng đầu. Ví dụ nếu đúng được 5% và nếu sai mất 10% thì các cơ hội đó không phải là một cơ hội tốt. Ngược lại, ví dụ các cổ phiếu còn dư địa 15 - 20% trong khi sai mất 5 - 7% nên được ưu tiên.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 25/3: Sự cân nhắc rủi ro được đưa lên hàng đầu" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com