Khát vọng không ngừng chảy

15/02/2024 20:30

“Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông”. Hồn thơ của cụ Nguyễn Công Trứ văng vẳng trong những ngày đầu Xuân mới, khi cộng đồng doanh nhân TP.HCM đang cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vượt khó trong những năm hậu Covid-19 và hồ hởi đón chào niềm hy vọng thịnh vượng trong năm Giáp Thìn.

Vị thế

Khát vọng không ngừng chảy

Nguyễn Đức Nghĩa (*) • 13/02/2024 08:01

“Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông”. Hồn thơ của cụ Nguyễn Công Trứ văng vẳng trong những ngày đầu Xuân mới, khi cộng đồng doanh nhân TP.HCM đang cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vượt khó trong những năm hậu Covid-19 và hồ hởi đón chào niềm hy vọng thịnh vượng trong năm Giáp Thìn.

6546546.jpg

Nhớ lại thời đất nước còn bị ách nô lệ thực dân, các nhà tư sản dân tộc đã tiên phong vượt lên xây dựng nền kinh tế cho đất nước. Những tên tuổi “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi” đã thể hiện tinh thần phụng sự đồng bào, tạo thế và lực cho lớp doanh nhân tự tôn dân tộc, cạnh tranh sòng phẳng với tư sản Hoa kiều và Pháp.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân đã hiến tiền của để ủng hộ Chính phủ lâm thời, theo tinh thần “Làm được 10 phần, giữ lại 7 phần, còn 3 phần làm từ nhiện. Còn cứu độc lập là hiến tất cả”. Những doanh nhân như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Trần Chánh Chiếu, Trương Văn Bền… luôn được đề cao và là tấm gương trong hoạt động kinh tế.

Vừa qua, tại giữa kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gặp gỡ các gia đình doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. Chủ tịch định hướng: “Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân”.

Doanh nhân Việt Nam đã tiếp nối các thế hệ cha ông thể hiện khát vọng hưng thịnh quốc gia. Nhiều doanh nghiệp gia đình đã trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh. Nhiều doanh nghiệp dân tộc đã mang tầm quốc tế như: FPT, Viettel, Vingroup… gắn liền với các tên tuổi trong thời đại mới như: Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Viettel), Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) - những người luôn mang lại niềm cảm hứng kinh doanh, tình yêu đất nước và khát vọng tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Mặc dù có những thành tựu trên, vẫn phải thừa nhận sự phát triển của kinh tế tư nhân chưa đạt kỳ vọng. Doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được như Nghị quyết 10-NQ/TW đề ra.

Thử tìm hiểu một số trở ngại đối với sự phát triển doanh nghiệp dân tộc hiện nay.

Trước hết, doanh nghiệp hầu hết có vốn đầu tư mỏng, một số ở trong tình trạng “giật gấu vá vai”, mặc dù được sự hỗ trợ từ Nhà nước nhưng chưa đủ. Trong khi đó, một số chính sách về vốn gần đây lại bị cho là vật cản đối với vốn doanh nghiệp. Ví dụ, sự kiểm soát quá chặt chẽ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp làm cho thị trường vốn này gần như tắc nghẽn, doanh nghiệp không có vốn để trang trải nợ nần, phát triển kinh doanh, đặc biệt xảy ra với doanh nghiệp bất động sản. Việc phân bổ vốn, điều hòa vốn giữa các thành viên trong các tập đoàn kinh tế khó triển khai do bị khống chế bởi chính sách quản lý giao dịch liên kết của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với tổ chức tài chính, tín dụng cũng bị hạn chế bởi nghị định này.

Thứ hai, vấn đề vốn mỏng bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ cũ. Trong khi đó, một số yêu cầu kỹ thuật xây dựng được ban hành ở tiêu chuẩn cao hơn đáng kể so với thực tế. Ví dụ chính sách quản lý, giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá lẽ ra chỉ nên áp dụng với giao dịch bên ngoài Việt Nam thì nay điều chỉnh cho tất cả doanh nghiệp Việt, không căn cứ qui mô kinh doanh và phạm vi kinh doanh. Các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, về bảo vệ môi trường được cho là khá cao so với khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Điều này góp phần làm gia tăng chi phí đầu tư, chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh giá của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ ba, không có nhiều doanh nhân được học hỏi về quản trị một cách bài bản hoặc có kiến thức pháp luật chuyên sâu về kinh tế. Trong khi đó, rất hiếm doanh nghiệp có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, chỉ cần đến luật sư khi xảy ra vụ việc dính đến pháp luật. Thời gian qua, có một số vụ án kinh tế lớn bị khởi tố, một số doanh nhân bị điều tra, một số sai phạm lớn được công bố làm mọi người cảm thấy e ngại về sự mong manh giữa quan hệ kinh tế và trách nhiệm hình sự. Từ đó, có tình trạng dè đặt, ngần ngại đối với quyết định đầu tư và phát triển kinh doanh. Điều này phần nào làm giảm sự năng động, sáng tạo của giới doanh nhân.

Giao thừa sắp tới, ai cũng chờ đón năm 2024 với vận hội mới. Những xu hướng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ là định hướng của doanh nhân Việt trong thời kỳ mới. Hy vọng chính sách kinh tế sẽ có sự thay đổi phù hợp thực tế, phù hợp nguyện vọng doanh nhân và đảm bảo quyền tự do kinh doanh hoàn hảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc phát triển, đáp ứng định hướng của Đảng và Nhà nước cùng sự mong mỏi của cả dân tộc.

(*) Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã xác định “Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp”; mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2030 đạt khoảng 60-65%.

Bạn đang đọc bài viết "Khát vọng không ngừng chảy" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com