Điều gì vẫn ghìm giá vàng

01/04/2023 16:01

Giới quan sát tin rằng giá vàng sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Nhưng trong tuần này, kim loại quý vẫn chưa thể lấy lại mốc 2.000 USD/ounce.

Vàng bị chốt lời sau khi vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce vào tuần trước. Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng vẫn chật vật chưa thể lấy lại ngưỡng 2.000 USD/ounce trong tuần này. Tính đến 19h ngày 31/3 (giờ Việt Nam), vàng thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 1.980 USD/ounce, giảm gần 10 USD/ounce so với cuối tuần trước.

Đầu tuần trước, giá vàng xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng của Mỹ và châu Âu hứng chịu những cú sốc liên tiếp.

Dù đã quay đầu sụt giảm, kim loại quý vẫn đang tiến tới quý tăng thứ 2 liên tiếp. "Giá vàng vẫn đang được hỗ trợ. Các nhà đầu tư dồn sự chú ý vào dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân chuẩn bị được công bố", chuyên gia phân tích Carlo Alberto De Casa tại Kinesis Money nhận định.

gia vang giam anh 1

Diễn biến thị trường vàng trong vòng một tháng qua. Ảnh: Trading Economics.

Thước đo lạm phát yêu thích của Fed

Giá vàng thỏi đã tăng hơn 8% trong quý I. Đây cũng là tháng tăng mạnh nhất của kim loại quý kể từ tháng 11/2022. USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn trên thế giới - đã ghi nhận đà sụt giảm so với quý trước. Điều này giúp vàng trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn.

Nhưng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân nóng hơn dự báo có thể đè nặng lên giá vàng.

Cuộc khảo sát của Bloomberg cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - có thể vẫn tăng trong tháng 2.

Cụ thể, giới quan sát dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân cốt lõi của Mỹ trong tháng 2 (không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm) sẽ tăng 0,4% so với một tháng trước đó. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

So với tháng 2/2022, chỉ số này được dự báo tăng 4,7%. Còn chỉ số giá tiêu dùng cá nhân nói chung vọt lên 5,1% sau một năm. Cả hai đều gấp đôi mục tiêu lạm phát của Fed.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Bộ Lao động Mỹ công bố đã tăng 0,2% trong tháng 2. Mức tăng so với một năm trước đó là 6%.

Tất cả cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng và Fed có thể phải hành động nhiều hơn, dù triển vọng u ám đang bao trùm lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Giới đầu tư vẫn lạc quan

Trước đó, thị trường vàng được hỗ trợ trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu chìm trong hỗn loạn. Chỉ trong vài tuần, 3 nhà băng của Mỹ đã sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước này. Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng được UBS Group mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.

Sau các vụ sụp đổ ngân hàng, giới đầu tư đặt cược vào khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất để ngăn chặn nguy cơ lây lan trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Nhưng giá đã quay đầu giảm do giới chức vào cuộc giải cứu.

Các nhà đầu tư cũng đẩy mạnh chốt lời sau khi giá vàng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Tuy nhiên, chuyên gia De Casa vẫn tin vào triển vọng trung và dài hạn của giá vàng. "Tôi cho rằng giá vàng có thể lấy lại mốc 2.000 USD/ounce trong trung hạn vì Fed sẽ duy trì chính sách ôn hòa, và trong kịch bản bất ổn gia tăng hơn nữa, kim loại quý thu hút dòng tiền trú ẩn an toàn", vị chuyên gia nói thêm.

Theo công cụ CME FedWatch, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng 43,5% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 5.

Cuối tháng 3, Fitch Solutions dự đoán giá vàng sẽ vọt lên 2.075 USD/ounce “trong vài tuần tới” và duy trì đà tăng những năm tiếp theo. Dự báo dựa trên "sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính trên toàn cầu".

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bạn đang đọc bài viết "Điều gì vẫn ghìm giá vàng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com