Chiến lược ứng phó với các thách thức trong nâng cao sức khoẻ người dân

02/02/2024 16:10

(Chinhphu.vn) - Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang gặp nhiều thách thức không nhỏ, như sự thay đổi mô hình bệnh tật, mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/1/2024 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để độc giả hiểu rõ hơn những nội dung trong Chiến lược này, Báo Điện tử Chính phủ đã có những trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.

Thách thức từ thiên tai, dịch bệnh trên toàn cầu

- Thưa bà, trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở nước ta đang có những thuận lợi và thách thức như thế nào?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở nước ta có một số yếu tố thuận lợi, như cá nhân, cộng đồng cũng như toàn xã hội quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe và bảo vệ sức khỏe; đầu tư cho chăm sóc sức khỏe đã tăng lên cùng sự phát triển kinh tế xã hội; những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã hỗ trợ hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ, liên quan tới sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm; tốc độ già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa cùng xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao...

Xét chung trên bối cảnh toàn cầu, hiện nay người ta nói, nhân loại đang bước vào kỳ nguyên VUCA, với các đặc tính biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity).

Sự bùng nổ xung đột và chiến tranh, sự xuất hiện với tần suất dày hơn và cường độ nghiêm trọng hơn của thiên tai, khủng hoảng kinh tế, sự bùng phát các dịch bệnh mới nổi trên phạm vi toàn cầu…trong thời gian gần đây, là minh chứng rõ ràng cho những thuộc tính trên mang tính thách thức này.

Chính những thách thức này đòi hỏi mọi hệ thống y tế phải có nền tảng bền vững về cấu trúc, nhân lực, kỹ thuật và tài chính, đồng thời cần linh hoạt, sáng tạo và liên tục đổi mới, nhằm tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với những thách thức mới.

Phương thức chủ chốt là phòng bệnh hơn chữa bệnh

- Vậy, để đối phó hiệu quả với những thách thức mới, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030 đã được xây dựng dựa trên quan điểm nào và mục tiêu là gì, thưa bà?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có hai thuộc tính cơ bản, có là tính kế thừa và phát triển.

Theo đó, Chiến lược được xây dựng dựa trên sự kế thừa những định hướng lâu dài mang tính nền tảng (như định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển) mà chúng ta đã xác định trong nhiều năm qua, đồng thời bổ sung những định hướng phát triển mới phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Chiến lược này được xây dựng dựa trên 5 quan điểm cơ bản:

Thứ nhất, quan điểm về phát triển hệ thống y tế, đó là kế thừa định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển nhưng bổ sung thêm một số định hướng mới như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khả năng chống chịu và duy trì bền vững, để đảm bảo sự thích ứng linh hoạt và hiệu quả của hệ thống y tế trong giai đoạn mới.

Đồng thời xác định rõ sự phát triển và đổi mới hệ thống y tế phải hướng tới mục tiêu mong muốn là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thứ hai, quan điểm về nguyên tắc chăm sóc sức khỏe, nhấn mạnh các yếu tố công bằng, giá trị con người, chất lượng và sự bảo vệ tài chính. Theo đó chăm sóc sức khỏe phải dựa trên nhu cầu (chứ không căn cứ vào sức mua) và cần lấy người dân làm trung tâm để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.

Thứ ba, quan điểm về phương thức chủ chốt để đảm bảo chăm sóc sức khỏe hiệu quả, đó là phòng bệnh hơn chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe từ sớm ngay tại cơ sở; ứng phó kịp thời với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về an ninh y tế và khẳng định vai trò chủ chốt của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản.

Thứ tư, quan điểm về công tác dân số, theo đó cần chú trọng toàn diện các mặt của công tác dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số), tận dụng tối đa cơ hội (cơ cấu dân số vàng) và thích ứng hiệu quả vớ thách thức (già hóa dân số).

Thứ năm, quan điểm về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người dân. Theo đó, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của hệ thống chính trị và toàn xã hội, với nòng cốt là ngành y tế.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với xu hướng có tính chất toàn cầu hiện nay về trao quyền cho cá nhân và cộng đồng, nhằm tối ưu hóa sức khỏe, khuyến khích sự phối hợp liên ngành và sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong chăm sóc sức khỏe.

Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định rõ mục tiêu: trong giai đoạn đến năm 2030, chúng ta cần phần đấu đảm bảo mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về định hướng đến năm 2045, Chiến lược cũng xác định 2 mục tiêu quan trọng. Đó là cần xây dựng hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

- Để đạt được các mục tiêu mong muốn này, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra những nội dung ưu tiên gì, thưa bà?

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Chiến lược đã xác định một số nội dung ưu tiên, xoay quanh 6 cấu phần của hệ thống y tế, bao gồm:

Cung ứng dịch vụ y tế, đảm bảo khả năng duy trì bền vững và tính linh hoạt (phù hợp với sự thay đổi nhu cầu chăm sóc sức khỏe) của toàn bộ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu (nâng cao sức khỏe, dự phòng, điều trị, phục hồi chức năng, chăm sóc giảm nhẹ) theo suốt vòng đời, cụ thể:

- Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nâng cao năng lực quản lý môi trường y tế, các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe người dân.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ Trung ương đến cơ sở, để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh; thu hẹp khoảng cách về bệnh tật, tử vong giữa các ‎vùng, miền, các nhóm dân tộc. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Chú trọng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và các đối tượng ưu tiên.

Về nhân lực y tế, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, đặc biệt nhân lực cho y tế cơ sở, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo; tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sĩ và điều dưỡng; bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

Đối với hệ thống công nghệ thông tin, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật, nghiên cứu và phát triển dược, thiết bị y tế; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

Về trang thiết bị y tế, thuốc, vaccine, bảo đảm việc tiếp cận và tính sẵn có của thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; ưu tiên phát triển công nghiệp dược, dược liệu và thiết bị y tế trong nước. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Tài chính y tế, tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Ưu tiên ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, biển đảo, bãi ngang ven biển, các khu vực khó khăn.

Về quản trị hệ thống y tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, chính sách y tế, bảo đảm chất lượng, đầy đủ, đồng bộ; năng lực quản trị hệ thống y tế được nâng cao theo hướng hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, hiện đại, hội nhập.

Trân trọng cảm ơn ơn bà!

HM (thực hiện)


Bạn đang đọc bài viết "Chiến lược ứng phó với các thách thức trong nâng cao sức khoẻ người dân" tại chuyên mục SỨC KHỎE. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com