Bộ Công Thương: Cố gắng mức cao nhất để đảm bảo đủ xăng trong quý II

30/03/2022 20:30

Kịch bản điều hành xăng dầu trong quý II sẽ không có nguồn cung từ Lọc dầu Nghi Sơn do kế hoạch sản xuất, cung ứng cho thị trường của nhà máy này chưa rõ.

Chiều 30/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2022. Tại cuộc họp này, vấn đề liên quan đến nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian tới nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí.

Về nguồn cung xăng dầu tại nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, Bộ Công Thương đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái khởi động hoạt động sản xuất của nhà máy cũng như việc đảm bảo cung ứng kế hoạch cho các thương nhân đầu mối.

“Hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã khởi động lại nhưng về việc đảm bảo nguồn cung cho quý II/2022, đến thời điểm này, Vụ Thị trường trong nước chưa nhận được báo cáo cụ thể sản lượng mà Nhà máy sẽ giao cho các thương nhân đầu mối”, ông Tuấn nói.

Chính vì nguồn cung của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không đảm bảo, Bộ Công Thương đã giao cho thương nhân đầu mối đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. 

Có 10 đầu mối chịu trách nhiệm nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng, dầu bổ sung lượng thiếu hụt từ nguồn sản xuất trong nước trong quý II.

Trong số đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được giao nhập khẩu bổ sung thêm 1.065.567 m3; Tổng Công ty Dầu Việt Nam 488.688 m3; Công ty TNHH Thuỷ bộ Hải Hà 140.401 m3; Công ty TNHH Hải Linh 124.898 m3; Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu 66.804 m3.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt được giao 165.117 m3; Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ 89.642m3; Công ty Cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp 73.094 m3; Công ty Thiên Minh Đức 144.152 m3 và Công ty Cổ phần hoá dầu Quân đội 41.636 m3.

Cũng theo ông Tuấn, ngoài tổng nguồn đã giao, năm 2022 các doanh nghiệp đầu mối cũng được giao đẩy mạnh và tăng kế hoạch nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, việc nhập khẩu xăng dầu “không phải ngày một ngày hai, không phải gọi hàng là hàng về”.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, hai năm đại dịch Covid, các thương nhân đầu mối về cơ bản lấy sản phẩm từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp, người dân, việc nhập khẩu chỉ nhập cơ bản những sản phẩm mà hai nhà máy này chưa đáp ứng được.

Nói thêm về nội dung này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều hành xăng dầu hiện nay không tính đến lượng xăng dầu do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cung cấp. Còn việc phân cho 10 thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều là những doanh nghiệp có kinh nghiệm, có nguồn lực nhất để bù vào lượng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn thiếu hụt để cung cấp trong quý II/2022.

“Riêng tháng 2/2022, nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chỉ cung cấp được 50% những hợp đồng đã ký kết, cam kết với các doanh nghiệp đầu mối, có nghĩa là thiếu 50%. Điều này để thấy, việc đảm bảo cung ứng đủ nguồn xăng dầu trong nước tháng 3 đã là nỗ lực rất lớn”, ông Hải nhấn mạnh.

Nói về việc 10 doanh nghiệp đầu mối được Bộ Công Thương phân giao như vậy thì đã đảm bảo hay chưa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ thường xuyên cập nhật những con số này qua báo cáo của doanh nghiệp cũng như của Tổng cục Hải quan.

“Chúng tôi chỉ khẳng định là trong quý II/2022 sẽ cố gắng hết mức cao nhất để đảm bảo đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của người dân cả nước”, ông Hải nói.

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng, ngay đầu tuần tới, Bộ Công Thương sẽ có cuộc gặp làm việc với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn để bàn bạc kỹ xem Nhà máy liệu có thể cung cấp được bao nhiêu lượng xăng dầu, và sẽ yêu cầu phải có cam kết từng tháng cụ thể. Để từ đó, có kế hoạch giao cho các doanh nghiệp đầu mối chủ động bù đắp phần thiếu.

“Mua xăng dầu không giống như chúng ta mua một hàng hoá thông thường, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang căng thẳng, muốn mua cũng không phải là dễ. Mua ở đâu cũng đều liên quan đến từng mức thuế ở từng thị trường.

Nếu mua xăng dầu ở một thị trường bất kỳ mà thuế cao thì về đến Việt Nam giá xăng dầu sẽ cao, mà giá cao thì sẽ không hiệu quả, nên chưa chắc doanh nghiệp đã nhập. Hơn nữa, nếu có nhập được thì cũng chưa biết bao giờ sẽ về đến Việt Nam, nên đấy là những khó khăn của các doanh nghiệp đầu mối, cũng như của các cơ quan liên quan đang gặp phải”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Bộ Công Thương: Cố gắng mức cao nhất để đảm bảo đủ xăng trong quý II" tại chuyên mục HÀNG HÓA. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com