Những điều cần biết khi sử dụng thẻ tín dụng

27/03/2024 20:16

Sự vụ một khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm con số phải thanh toán gốc, lãi lên tới 8,8 tỷ đồng đã khiến không ít chủ thẻ tín dụng hoang mang và có ý định thanh lý thẻ tín dụng để mình không là "nạn nhân" tiếp theo.

Trước tiên, phải nhìn nhận rằng thẻ tín dụng giữ vai trò khá quan trọng trong thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Bản chất, phát hành thẻ tín dụng là một hình thức cấp tín dụng, đây được xem là công cụ góp phần kiểm soát tín dụng đen và thúc đẩy kinh tế tiêu dùng phát triển, giúp người mua thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng và người bán tăng được doanh số bán. Tiện ích "đặc trưng" của thẻ tín dụng là chi trước trả sau miễn lãi 45 – 55 ngày (tùy tổ chức phát hành). Các lợi ích khi sử dụng thẻ tín dụng là rất cụ thể, tuy nhiên để sử dụng thẻ một cách thông minh và tránh phải chịu những khoản phí, lãi không đáng có thì người sử dụng thẻ tín dụng cũng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Về hợp đồng phát hành thẻ, các điều khoản và điều kiện khi sử dụng thẻ tín dụng

Chủ thẻ tín dụng gần như bỏ qua việc đọc các điều khoản và điều kiện khi sử dụng thẻ. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng điều công bố các điều khoản và điều kiện khi sử dụng thẻ tín dụng trên website của mình. Các điều khoản và điều kiện bao gồm các nội dung về cách tính lãi, phí; tra soát xử lý khiếu nại; phương thức thanh toán; chuyển nợ quá hạn và các biện pháp xử lý,…Trước khi ký kết hợp đồng, chủ thẻ nên đọc, trao đổi và làm rõ với ngân hàng đối với các nội dung mình chưa rõ để tránh các khiếu nại, khiếu kiện về sau do việc sơ suất không đọc kỹ các điều khoản, điều kiện đi kèm hợp đồng.

Về phương thức tính lãi thẻ tín dụng

Phần lớn các ngân hàng tại Việt Nam phân loại giao dịch thẻ tín dụng gồm giao dịch rút/ứng tiền mặt và giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ để xác định phương thức tính lãi thẻ tín dụng, cụ thể:

Đối với các giao dịch rút tiền mặt thì chủ thẻ không được miễn tiền lãi cho dù có thanh toán toàn bộ dư nợ sao kê, tiền lãi được tính từ ngày rút tiền mặt cho đến ngày chủ thẻ thanh toán toàn bộ số tiền rút. Đối với số tiền chưa thanh toán, tiền lãi sẽ tiếp tục được tính dựa trên lãi suất áp dụng và số ngày thực tế duy trì số dư nợ thẻ tín dụng.

Đối với các giao dịch thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ (quẹt Pos, thanh toán trực tuyến) tiền lãi được tính kể từ ngày chủ thẻ thực hiện giao dịch cho đến ngày chủ thẻ thanh toán. Chủ thẻ được miễn lãi nếu thanh toán toàn bộ dư nợ sao kê. Chủ thẻ phải chịu lãi nếu chỉ thanh toán được số tiền tối thiểu hoặc thanh toán một phần dư nợ cuối kỳ hoặc thanh toán sau ngày thanh toán số tiền tối thiểu.

Về số tiền thanh toán tối thiểu và thứ tự ưu tiên khi thu nợ thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng có hai phương thức thanh toán dư nợ sao kê là thanh toán toàn bộ dư nợ sao kê hoặc thanh toán số tiền tối thiểu. Số tiền tối thiểu các ngân hàng đang áp dụng phổ biến ở mức 3%, 5% hoặc 10% số dư nợ sao kê. Việc áp dụng thanh toán số tiền tối thiểu bên cạnh thanh toán toàn bộ dư nợ sẽ giúp chủ thẻ giảm bớt áp lực về tài chính khi đến kỳ thanh toán và không phải chịu phí phạt chậm thanh toán. Tuy nhiên, đây cũng là "cái bẫy" làm chủ thẻ không thể "thoát nợ" thẻ tín dụng.

Khi chủ thẻ thanh toán số tiền tối thiểu thì ngân hàng thanh toán dư nợ theo thứ tự ưu tiên như sau: thu các khoản thanh toán đến hạn của các giao dịch trả góp, phí, lãi, giao dịch rút tiền mặt, giao dịch thanh toán. Với mức lãi suất thẻ tín dụng các ngân hàng đang áp dụng giao động từ 30% - 39%/năm, nếu chủ thẻ chỉ thanh toán số tiền tối thiểu thì số tiền thanh toán sẽ được thu vào phần phí, lãi thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng đáng kể trước khi thu phần dư nợ gốc.

Ví dụ: Thẻ tín dụng có dư nợ kỳ sao kê tháng 09/2023 là 51.922.846 đồng, số tiền thanh toán tối thiểu 3% là 1.557.685 đồng và phải thanh toán trước ngày 08/10/2023. Ngày 29/9/2023 chủ thẻ thanh toán 2.000.000 đồng. Trong tháng 10/2023, phát sinh 1 giao dịch rút tiền mặt tại ATM ngân hàng khác 2.000.000 đồng, phí 3.300 đồng, 1 giao dịch rút tiền mặt tại Pos 60.000.000 đồng được miễn phí rút tiền. Kỳ sao kê tháng 10/2023 ghi nhận: phí 3.300, tiền lãi 442.238 đồng, nợ phát sinh 63.000.000 đồng, đã thanh toán 2.000.000 đồng. Số tiền thanh toán tối thiểu 2.000.000 đồng, ngân hàng sẽ thu ưu tiên: phí 3.300, lãi 442.238 đồng, giao dịch rút tiền mặt 1.554.462 đồng. Dư nợ kỳ sao kê tháng 10/2023 là 113.368.384 đồng. Như vậy, mặc dù chủ thẻ thanh toán 2.000.000 đồng nhưng số thực thu vào dư nợ thẻ chỉ có 1.554.462 đồng.

Những điều cần biết khi sử dụng thẻ tín dụng- Ảnh 1.

Các loại phí khác khi sử dụng thẻ tín dụng

Phí rút tiền mặt: là phí mà chủ thẻ phải trả khi rút tiền mặt tại ATM, Pos. Các dòng thẻ tín dụng quốc tế như JCB, Visa hay MasterCard hướng chủ thẻ đến việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Do đó, khi có nhu cầu rút tiền mặt, chủ thẻ phải chịu mức phí rút tiền mặt áp dụng phổ biến ở mức khoảng 4% x số tiền giao dịch. Hiện nay, một số ngân hàng phát triển dòng thẻ tín dụng nội địa có tính năng tương tự như thẻ tín dụng quốc tế và bổ sung thêm tiện ích miễn phí rút tiền mặt tại các ATM. Khách hàng cần xác định mục đích sử dụng thẻ tín dụng để lựa chọn dòng thẻ tín dụng tối ưu nhất.

Phí thường niên: là phí mà chủ thẻ phải trả cho ngân hàng phát hành thẻ hàng năm. Mức phí thường niên của thẻ tín dụng dao động từ vài trăm ngàn đồng/năm cho đến vài triệu đồng/năm tùy thuộc vào phân hạng thẻ tín dụng. Các ngân hàng thường phân hạng thẻ tín dụng theo phân khúc khách hàng, thẻ tín dụng có phân hạng cao thì phí thường niên sẽ cao, đi kèm với những ưu đãi tương ứng. Hiện nay, với sự cạnh tranh giữa các tổ chức phát hành thẻ, hầu như các dòng thẻ tín dụng sẽ được miễn phí thường niên năm đầu tiên. Chủ thẻ sẽ được miễn phí thường niên năm tiếp theo nếu doanh số giao dịch trong năm trước đó đạt mức tối thiểu theo quy định của mỗi ngân hàng. Mức doanh số giao dịch tối thiểu này phụ thuộc vào phân hạng thẻ mà chủ thẻ sử dụng. Ví dụ: một vài ngân hàng quy định chủ thẻ hạng tiêu chuẩn phải sử dụng tối thiểu 20 – 25 triệu đồng/năm để miễn phí thường niên năm tiếp theo. Đối với các thẻ hạng cao cấp, mức doanh số tối thiểu có thể lên đến vài trăm triệu đồng/năm. Do đó, khi có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên cân nhắc nhu cầu và mức độ sử dụng thẻ tín dụng của mình để chọn hạng thẻ phù hợp nhằm miễn phí thường niên khi sử dụng.

Phí không thanh toán số tiền tối thiểu hay phí chậm thanh toán: là phí chủ thẻ phải chịu khi không thanh toán số tiền tối thiểu hoặc thanh toán không đủ số tiền tối thiểu. Mức phí chậm thanh toán phổ biến trong khoảng 4% - 6%. Khi chủ thẻ thanh toán thẻ tín dụng thì phí chậm thanh toán sẽ được ưu tiên thu trước lãi, dư nợ sao kê.

Tóm lại, để việc sử dụng thẻ tín dụng mang lại thật nhiều tiện ích và tránh phải những rắc rối, mỗi khách hàng tốt nhất chỉ nên sở hữu từ 1 – 3 thẻ tín dụng. Chủ thẻ cần phải xác định dòng thẻ tín dụng (nội địa hoặc quốc tế) dựa trên nhu cầu sử dụng (thanh toán, rút tiền). Lựa chọn hạng thẻ tín dụng phù hợp mức độ sử dụng của mình để hưởng ưu đãi miễn phí thường niên. Ngoài ra, phải đọc kỹ các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng thẻ tín dụng về cách thức tính lãi, thứ tự ưu tiên khi thanh toán để có cách thức sử dụng thẻ tín dụng đúng cách.

Bạn đang đọc bài viết "Những điều cần biết khi sử dụng thẻ tín dụng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com