Ấn phẩm gồm hai phần: Đời bay, Quê hương và gia đình. Sách ra đời sau bốn năm từ cuốn Nhật ký phi công tiêm kích, khắc họa rõ nét tướng Nguyễn Đức Soát từ Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn Không quân 927 đến trung tướng Tư lệnh Quân chủng Không quân, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chương đầu tiên ghi lại những dấu ấn không chỉ gắn với cuộc đời tướng Nguyễn Đức Soát mà còn là cột mốc quan trọng của lịch sử phát triển của không quân Việt Nam. Trong đó, tác giả nhắc lại các sự kiện như chiến dịch tập kích đường không của Mỹ ra miền Bắc, quá trình làm chủ những chiếc máy bay như SU-27.
Phần thứ hai, tác giả gửi gắm tình cảm đến quê hương, gia đình, bạn bè, quay về tuổi thơ với nhiều kỷ niệm đẹp. Theo trung tướng Nguyễn Đức Soát, quê hương ''luôn có sức hút lớn''. Ông viết: ''Trong những chuyến bay đi làm nhiệm vụ, khi có điều kiện, tôi đều tìm cách bay qua làng trên độ cao thật thấp để có thể nhìn thấy ngôi nhà nhỏ thân thương, thâm tâm ngầm muốn báo tin cho bố mẹ, cho các em tôi rằng tôi vẫn còn sống''.
Trong lời mở, tác giả gửi sự tri ân đến vợ, người đã xây tổ ấm hạnh phúc cho mình và các con. "Tình yêu quê hương, hạnh phúc gia đình đã là động lực giúp tôi vượt qua mọi gian nan nguy hiểm để có thể gắn bó trọn đời với bầu trời'', trung tướng cho hay.
Cách đây gần 60 năm, từ những ngày đầu học bay, ông Nguyễn Đức Soát đã nuôi mong ước chinh phục bầu trời. Ông nói: ''Tôi muốn mình được bay cả đời, bay đến khi tuổi tác hay sức khỏe không cho phép''.
Tác giả kể khi còn chục ngày nữa sẽ được bay chuyến tập đầu tiên trên máy bay huấn luyện phản lực L-29 tại trường Không quân Krasnodar (Liên Xô), ông đã cẩn thận, nắn nót viết hai chữ ''Đời bay'' lên trang đầu của cuốn nhật ký. Thấy vậy, một phi công học viên hỏi nửa đùa nửa thật: ''Sắp tới khi bay tập, nhỡ ông không bay được, bị cắt bay, ông lại thêm chữ 'Đoạn' vào đầu thành 'Đoạn đời bay' à?''. Trước câu nói gở, dù không mê tín, ông giận và tự nhủ không được để chữ ''Đoạn'' xuất hiện.
Trong sự nghiệp, ông từng bay trên chiếc LAVI của không quân Israel (phiên bản mới của máy bay F-16 của Mỹ) cùng phi công Do Thái, chinh phục các biến thể của tiêm kích MiG-21. Khi ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân, tướng Nguyễn Đức Soát vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu.
Tuy nhiên, hồi tưởng ''đời bay'' của mình, ông Nguyễn Đức Soát ví như một sinh viên trong đại học đặc biệt. Ông nói: ''Tôi học mãi không hết vì kỹ thuật không ngừng phát triển, các loại máy bay mới liên tục xuất hiện, thay thế cái cũ''.
Nhà thơ Hữu Việt nhận định tác phẩm gửi gắm trọn vẹn tình yêu của trung tướng Nguyễn Đức Soát dành cho bầu trời. Ở lời giới thiệu, nhà thơ viết: ''Với tướng Soát, bầu trời chính là thầy giáo nhân từ và nghiêm khắc dạy ông bay, là Tổ quốc để ông xả thân vô điều kiện, bảo vệ và dâng hiến, là tình yêu để ông khao khát gặp gỡ hằng ngày, không bao giờ lìa xa. Bầu trời cũng như đại dương thứ năm nơi ông gửi gắm sinh mệnh của mình nếu chẳng may không trở về đất mẹ''.
Ngoài ra, dù kể câu chuyện của bản thân, tác giả ''ẩn thân'' tối đa mà dành những trang viết hay nhất tri ân các chỉ huy. Nhà thơ Hữu Việt cho rằng: ''Sự khiêm nhường là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái tôi của tác giả mà khiến người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy''.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, 78 tuổi, sinh tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội). Ông nhập ngũ năm 19 tuổi, cùng 59 học sinh, sinh viên Việt Nam được cử sang Liên xô học lái bay MiG-21. Sau hơn hai năm, ông và đồng đội trở về, lập tức được tham gia chiến đấu trong những năm chống Mỹ. Năm 1969, lúc 23 tuổi, ông đã lập chiến công đầu tiên khi bắn rơi chiếc máy bay không người lái của không quân Mỹ. Ông là Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, rồi Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và nghỉ hưu năm 2008.
Phương Linh