Tỉnh "sát vách" TP.HCM sẽ sáp nhập 2 huyện, đưa địa phương "lên hương" với loạt quy hoạch cao tốc, cảng biển, sân bay

23/04/2024 12:12

Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ, thành lập huyện Long Đất.


Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức tập huấn nghiệp vụ lấy ý kiến cử tri về dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025.

Theo dự thảo đề án, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trước khi sắp xếp là 8 cấp huyện (2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện); 82 đơn vị hành chính cấp xã ( 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã).

Sau sắp xếp thì tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 đơn vị hành chính cấp xã.

Trong dự thảo đề án, Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ, thành lập huyện Long Đất. Sau sáp nhập, có 11 đơn vị cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 xã và 4 thị trấn. Nơi đặt trụ sở làm việc của huyện Long Đất tại trụ sở của huyện Đất Đỏ hiện hữu.

Hiện nay, huyện Đất Đỏ có địa giới phía Đông giáp huyện Xuyên Mộc và biển Đông, tây giáp huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa, nam giáp biển Đông, và bắc giáp huyện Châu Đức.

Diện tích tự nhiên 18.957,63 ha. Gồm 2 thị trấn mới được thành lập là thị trấn Đất Đỏ và thị trấn Phước Hải; các xã thuộc huyện Đất Đỏ gồm: Phước Long Thọ, Long Tân, Láng Dài, Lộc An,Phước Hội, Long Mỹ.

Trong khi đó, huyện Long Điền phía Đông giáp huyện Đất Đỏ, phía Tây giáp thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa.

Huyện Long Điền có diện tích tự nhiên 7.700 ha, đơn vị hành chính gồm có 2 thị trấn: Long Điền, Long Hải và 5 xã: xã An Ngãi, Tam Phước, An Nhứt, Phước Tỉnh, Phước Hưng.

Ngoài ra, xã An Nhứt vào xã An Ngãi, xã Tam Phước (hiện thuộc huyện Long Điền) sáp nhập thành lập xã Tam An. Nơi đặt trụ sở làm việc là trụ sở xã Tam Phước hiện hữu.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) vào xã Phước Hội, thành lập xã Phước Hội. Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính tại trụ sở xã Phước Hội hiện hữu.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) vào thị trấn Phước Hải, thành lập thị trấn Phước Hải. Nơi đặt trụ sở làm việc tại trụ sở xã Long Mỹ hiện hữu.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phước Hiệp (TP. Bà Rịa) vào phường Phước Trung (TP. Bà Rịa), thành lập phường Phước Trung. Nơi đặt trụ sở làm việc tại trụ sở phường Phước Trung hiện hữu.

Theo quy hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến phát triển hệ thống đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tỉnh sẽ hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại (bao gồm giao thông trên mặt đất, giao thông ngầm, giao thông trên cao), đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh và với các đô thị trong vùng, phát triển đô thị gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Phấn đấu đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của Vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia, cửa ngõ ra biển chủ yếu của Vùng Đông Nam Bộ, cơ cấu đô thị đa trung tâm với các trung tâm đô thị: Vũng Tàu - Phú Mỹ - Bà Rịa - Long Điền - Long Hải. Các trung tâm này được kết nối bằng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, bao gồm hệ thống đường đô thị và các tuyến Metro, MonoRail.

Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ đẩy mạnh quy hoạch, phát triển mạng lưới giao thông kết nối trong tỉnh và liên vùng.

Với đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56, Quốc lộ 51, Quốc lộ 51C. Đặc biệt, tỉnh hướng đến phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh. Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch.

Với đường sắt, bổ sung quy hoạch 2 nhánh kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển. Sau năm 2030, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị.

Với đường hàng không, phát triển cảng hàng không Côn Đảo. Tỉnh cũng quy hoạch 2 sân bay chuyên dụng là sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ và sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C với diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha.

Với cảng biển, phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có quy mô, chức năng cảng đặc biệt, bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi.

Cùng với đó, tỉnh sẽ phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông quan hàng hóa của hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với các cụm cảng cạn trong hành lang vận tải TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu gồm: Cụm cảng cạn Mỹ Xuân, Cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa, Cảng cạn Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ III), Cảng cạn Phước Hòa (cảng cạn Cái Mép).

Với đường thủy nội địa, phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa địa phương thuộc khu vực đất liền trên 25 con sông - rạch các cấp từ cấp I đến cấp VI.

Bạn đang đọc bài viết "Tỉnh "sát vách" TP.HCM sẽ sáp nhập 2 huyện, đưa địa phương "lên hương" với loạt quy hoạch cao tốc, cảng biển, sân bay" tại chuyên mục ĐỊA ỐC. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com