Lý do 'quả chuối dán tường' có giá hơn sáu triệu USD

24/11/2024 20:03

Tác phẩm ''Comedian'' của nghệ sĩ Maurizio Cattelan gửi thông điệp nghệ thuật không giới hạn, ai cũng có thể sáng tạo.

Comedian (Diễn viên hài) được Sotheby's ở New York bán với giá khoảng 6,2 triệu USD (158 tỷ đồng) hôm 20/11 (sáng 21/11, giờ Hà Nội).

Justin Sun - doanh nhân sáng lập nền tảng tiền điện tử người Trung Quốc - đã thắng đấu giá. Anh được nhận một quả chuối, cuộn băng keo, giấy chứng nhận và hướng dẫn sắp đặt để thay thế mỗi khi chuối bị hỏng. Trong bài đăng ở X sau đó, doanh nhân cho biết dự định ăn quả chuối để "tôn vinh vị trí của nó trong lịch sử nghệ thuật và văn hóa đại chúng", nhận thấy tác phẩm "đại diện cho một hiện tượng văn hóa kết nối thế giới nghệ thuật''.

Comedian. Ảnh: The Washington Post

Khán giả ngắm tác phẩm ''Comedian'' tại buổi ra mắt báo chí của Sotheby's hôm 25/10. Ảnh: The Washington Post

Trên một số diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người bất ngờ với giá trị của tác phẩm, bình luận ''Thật điên rồ'', ''Không thể tin đây là sự thật", ''Tôi không hiểu gì về nghệ thuật rồi". The Guardian nhận định về quả chuối trong Comedian: ''Nó chắc chắn là loại trái cây ăn được đắt nhất hành tinh".

Cách đây 5 năm, giá của Comedian cũng gây xôn xao thế giới. Trong lần đầu được trưng bày tại trung tâm triển lãm Art Basel Miami Beach năm 2019, ba phiên bản của tác phẩm có giá từ 120.000 đến 150.000 USD.

Theo tạp chí Art De Vivre, người mua không sở hữu quả chuối mà là một ý tưởng. Khi trái cây bị hỏng, họ chỉ cần thay thế, dán lại như hướng dẫn và nó vẫn được coi như nguyên bản. Hành động dùng băng keo cố định quả chuối vào tường cho thấy "nỗ lực để bất tử hóa một thứ gì đó vốn là phù du'', đặt ra câu hỏi về tính lâu dài và nhất thời của nghệ thuật.

Thuộc thể loại nghệ thuật ý niệm (conceptual art), tác phẩm không phản ánh kỹ thuật hay chất liệu, mà hình tượng quả chuối sẽ cho mỗi người một cách suy ngẫm về ý tưởng đằng sau. Comedian được cho là giúp nghệ thuật trở nên dễ tiếp cận với mọi người, gửi thông điệp rằng lĩnh vực này không phải lúc nào cũng cần phức tạp hay đắt tiền mà có thể được tạo nên bởi bất kỳ thứ gì. ''Đây là tác phẩm khơi gợi suy nghĩ về bản chất nghệ thuật và giá trị của nó'', trang Paintvine viết.

Melanie Gerlis, tác giả The Art Fair Story: A Rollercoaster Ride, cho biết nhiều người trong giới thượng lưu có thể chi hàng nghìn, hàng triệu USD cho một tác phẩm nghệ thuật. Bà đề cập việc doanh nhân Justin Sun bỏ ra khoảng 6,2 triệu USD là quá lớn cho một quả chuối nhưng anh đang mua câu chuyện của Comedian và mong muốn được nhìn nhận như một nhà sưu tập.

Justin Sun 34 tuổi, tốt nghiệp các đại học danh tiếng ở Trung Quốc và Mỹ. Anh là doanh nhân nổi tiếng trong ngành công nghiệp Blockchain, sáng lập nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ và tiền điện tử. Năm 2017, doanh nhân vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Trung Quốc và 30 Under 30 của Forbes châu Á.

Doanh nhân Justin Sun. Ảnh: Lunu

Doanh nhân Justin Sun. Ảnh: Lunu

Năm 2019, khi tác phẩm được trưng bày tại trung tâm triển lãm Art Basel ở bảo tàng Galerie Perrotin, Miami, Mỹ, nghệ sĩ người Mỹ David Datuna đã ăn chuối, lý giải đây là phần biểu diễn Hungry (Đói). Ngay sau đó, một quả khác được dán lên để thay thế. Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của Bảo tàng Lucien Terras, Mỹ, cho hay Datuna không phá hoại tác phẩm bởi giá trị nằm trên giấy chứng nhận.

David Galperin - người đứng đầu bộ phận nghệ thuật đương đại của Sotheby's tại Mỹ - nói: "Khi mua Comedian, bạn sẽ sở hữu giấy chứng nhận xác thực cấp quyền sao chép quả chuối và băng keo dán tường như tác phẩm gốc của Maurizio Cattelan''.

David Datuna ăn quả chuối sau khi nó bán được 120.000 USD. Ảnh: CNN

David Datuna ăn quả chuối sau khi nó bán được 120.000 USD. Ảnh: CNN

Thời điểm ra mắt năm 2019, Comedian là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và thảo luận về thương mại hóa nghệ thuật. Trang Paintvine phân tích có những người coi điều này phi lý số khác lại khẳng định giống như trò đùa.

Ông David Galperin mô tả Comedian ''vượt qua ranh giới địa lý, ngôn ngữ, sự hiểu biết, khác biệt về văn hóa''. Còn nhà kinh doanh nghệ thuật Emmanuel Perrotin nhận định giá trị to lớn của tác phẩm là định hình thời đại, tiếp tục truyền cảm hứng cho những tranh luận trong nhiều năm tới. ''Hành trình của quả chuối còn kéo dài'', ông nói trên The Guardian.

Tuy nhiên ở khía cạnh khác, những phản ứng trái chiều, cuộc thảo luận, loạt ảnh chế và sản phẩm nhái lại chính là ý nghĩa thực sự của Comedian, theo tạp chí The Spectator. Bài viết nêu: ''Tất cả chúng ta đều là trò cười khi lãng phí thời gian quan tâm một loại quả không có ý nghĩa gì''.

Tên tuổi nghệ sĩ góp phần giúp tác phẩm nghệ thuật thu hút sự quan tâm lớn và đạt giá cao. Trang tin của phòng trưng bày Marian Goodman Gallery cho biết Maurizio Cattelan được coi là ''gã hề của thế giới nghệ thuật'' với những sáng tác hài hước, châm biếm, thách thức giới hạn của các hệ thống giá trị đương đại. Ông chưa tham gia khóa học nghệ thuật nào mà tự sáng tạo. Ông từng nói: ''Thực hiện triển lãm là trường học của tôi".

Năm 2011, nghệ sĩ tạo cuộc tranh luận sôi nổi với tác phẩm sắp đặt 2.000 chú chim bồ câu nhồi bông. Cùng năm, ông giới thiệu triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Solomon R. Guggenhei, Mỹ, trong đó các sáng tác đều được treo lên trần nhà. Tháng 9/2016, ông ra mắt chiếc bồn cầu có tên Nước Mỹ làm từ vàng 18K, giá 4,8 triệu bảng, từng được trưng bày tại triển lãm trong Cung điện Blenheim ở Woodstock, Anh.

Maurizio Cattelan bên một tác phẩm của mình. Ông 64 tuổi, sinh tại Padua, Italy, hiện sống và làm việc ở New York, Mỹ. Ảnh: Domus

Maurizio Cattelan bên một tác phẩm của mình. Ông 64 tuổi, sinh tại Padua, Italy, hiện sống và làm việc ở New York, Mỹ. Ảnh: Domus

Trang Arts & Collections đánh giá điều thú vị nhất về Maurizio Cattelan không phải những bí ẩn ông che giấu hay tranh cãi ông gây ra mà ở việc nghệ sĩ khiến các nhà phê bình, nhà sưu tập và công chúng phải "đoán già đoán non". Theo trang tin, ông là ''một trong những nhân vật khó nắm bắt nhất của nghệ thuật đương đại''.

Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha cho biết Maurizio Cattelan thường chỉ trích các cuộc đấu giá không cân bằng, chưa mang lại lợi ích cho người làm tác phẩm, ngoại trừ mặt quảng cáo. Trong một cuộc phỏng vấn, ông từng trả lời: ''Các hãng đấu giá và nhà sưu tập thu được lợi nhuận, trong khi cá nhân sáng tạo lại bị bỏ rơi''.

Phương Linh

Bạn đang đọc bài viết "Lý do 'quả chuối dán tường' có giá hơn sáu triệu USD" tại chuyên mục XU HƯỚNG. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com