7 vật dụng bẩn nhất trong bếp

27/11/2024 00:02

Các chuyên gia chỉ ra 7 vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong bếp, gồm dụng cụ nấu ăn có khe, dao kéo, máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu, lọ gia vị và các loại ly, cốc.

Một nghiên cứu của Quỹ Vệ sinh Quốc gia Mỹ phát hiện 32% mặt bàn bếp bị nhiễm coliform, loại vi khuẩn có trong chất thải của người và động vật. Điều này có thể dẫn đến bệnh tật và nhiễm trùng, bao gồm ngộ độc thực phẩm. Và đó không phải là loại vi khuẩn duy nhất "ẩn náu" nơi bạn chuẩn bị bữa ăn.

Dưới đây là 7 vật dụng bẩn nhất nhà bếp và cách làm sạch để giảm vi khuẩn, theo các chuyên gia.

Dụng cụ nấu ăn có khe

Những dụng cụ có khe, kẽ nhỏ như phới đánh trứng, dụng cụ mở hộp và dụng cụ bào phô mai có thể chứa vi khuẩn. Tiến sĩ Chun Tang, bác sĩ đa khoa và giám đốc y tế tại Pall Mall Medical, cho biết các dụng cụ nhà bếp, đặc biệt là những dụng cụ làm từ nhiều thành phần, như phới đánh trứng, có thể chứa vi khuẩn dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa như E. coli, salmonella và listeria.

Tiến sĩ Tang khuyên nên rửa một số dụng cụ ngay sau khi sử dụng. "Các khe kẽ nhỏ có thể chứa những mảnh vụn mà mắt thường không nhìn thấy, nhưng chúng ta có thể vô tình khuấy vào tách trà, mì ống, súp hoặc các món ăn nhẹ khác hàng ngày", tiến sĩ Tang nói, thêm rằng hãy chà mạnh dụng cụ bào phô mai bằng bàn chải, rửa sạch và để khô tự nhiên thay vì dùng khăn lau.

Với các dụng cụ mở hộp, thay vì chỉ ném nó trở lại ngăn kéo vì không thấy thức ăn trên đó, tiến sĩ Tang khuyên nên lau vành bằng khăn giấy để loại bỏ bụi bẩn. "Sau đó, ngâm trong nước nóng và xà phòng lỏng trong 30 phút. Làm sạch bằng bọt biển, rửa sạch rồi dùng khăn giấy lau khô vành", vị tiến sĩ nói thêm.

Dao kéo

Một số loại dao kéo có thể chứa nhiều vi khuẩn hơn những loại khác. Theo tiến sĩ Tang, nếu bạn sử dụng dao kéo có thiết kế chi tiết phức tạp, các mảnh thức ăn nhỏ có thể bám lại trong những khoảng trống đó và bị thối rữa. Điều này có thể sinh sôi vi khuẩn có hại, chẳng hạn như salmonella và E. coli, ẩn náu cho lần sử dụng tiếp theo.

"Một số biến thể của E. coli có thể gây phá hủy tế bào hồng cầu và có thể suy thận", tiến sĩ nói.

Khi mua dao kéo mới, hãy chọn những thiết kế đơn giản, làm từ một mảnh thép hoặc bạc. Chúng an toàn hơn so với thiết kế phức tạp với các khe hở nhỏ.

Và nếu bạn nghĩ rằng việc cho dao kéo vào máy rửa bát là một cách chắc chắn để đảm bảo thìa sạch sẽ không có vi khuẩn, hãy nghĩ lại. Mặc dù máy rửa bát có xu hướng sử dụng nước nóng hơn tay chúng ta có thể chịu được, nhưng trong một nghiên cứu năm 2019, 100% máy rửa bát được thử nghiệm đều "bị xâm chiếm bởi nhiều loại vi khuẩn" có thể là "nguồn lây nhiễm cho con người". Hãy thường xuyên vệ sinh kỹ máy rửa bát của bạn.

Máy xay sinh tố

Khi xay nước sốt hoặc sinh tố, hãy vệ sinh máy xay sinh tố thật kỹ sau khi sử dụng. Một nghiên cứu của Quỹ Vệ sinh Quốc gia Mỹ cho thấy máy xay sinh tố là "vật dụng bẩn thứ ba" trong số các vật dụng nhà bếp khác nhau, chứa nhiều loại vi khuẩn bao gồm salmonella, E. coli, nấm men và nấm mốc.

Để làm sạch máy xay sinh tố đúng cách, tiến sĩ Emilia Pasiah, chuyên gia y học gia đình từ Trung tâm Sức khỏe HealthZen, cho biết ngay sau khi sử dụng, hãy đổ nước ấm vào máy xay đến nửa và thêm một giọt xà phòng. Cho máy xay chạy ở mức thấp trong 30 đến 60 giây để loại bỏ các mảnh thức ăn. Sau đó, tháo rời hoàn toàn máy xay và rửa tay từng bộ phận riêng biệt trong nước xà phòng nóng. Sử dụng bàn chải mềm hoặc bàn chải đánh răng để làm sạch xung quanh lưỡi dao và bất kỳ khu vực nào khó tiếp cận. Cuối cùng, rửa sạch từng bộ phận dưới vòi nước nóng để loại bỏ xà phòng và để tất cả các bộ phận khô tự nhiên.

Máy xay sinh tố được xem là vật dụng bẩn thứ ba trong số các vật dụng nhà bếp khác nhau. Ảnh minh hoạ: Pexels

Máy xay sinh tố được xem là "vật dụng bẩn thứ ba" trong số các vật dụng nhà bếp khác nhau. Ảnh minh hoạ: Pexels

Nồi chiên không dầu

Đối với nồi chiên không dầu, tiến sĩ Pasiah cho biết vi khuẩn phát triển mạnh trong giỏ của máy. "Dầu thừa có thể bị ôi thiu, dẫn đến mùi khó chịu và thậm chí các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ như đau bụng và buồn nôn", vị tiến sĩ nói.

Hãy làm sạch nồi chiên không dầu sau mỗi lần sử dụng, sau khi đã nguội. Ngâm giỏ và khay trong nước xà phòng nóng và sử dụng bàn chải mềm hoặc bọt biển để chà sạch bất kỳ thức ăn nào bị dính.

"Để làm sạch bên trong nồi chiên không dầu, hãy lau sạch bằng khăn ẩm và một ít xà phòng. Dung dịch giấm (một phần giấm, ba phần nước) có thể giúp loại bỏ các vết dầu mỡ", tiến sĩ Pasiah nói.

Lọ gia vị

"Đây có lẽ là một trong những vật dụng chứa nhiều vi khuẩn nhất trong nhà bếp của bạn", tiến sĩ Tang nói.

"Vi khuẩn như tụ cầu vàng và virus từ việc xử lý thịt sống hoặc ở gần người bị bệnh có thể dễ dàng lây lan sang các lọ này khi được truyền qua bàn ăn", tiến sĩ Pasiah nói thêm.

Cố gắng làm sạch các lọ gia vị thường xuyên bằng khăn lau kháng khuẩn, đảm bảo tập trung vào các khu vực trên cùng, nơi tiếp xúc nhiều nhất.

Cốc và ly

Bạn nghĩ rằng chỉ cần rửa qua là đủ để làm mới cốc trà của bạn giữa các lần uống? Hãy nghĩ lại.

"Vấn đề thực sự nằm ở màng sinh học - về cơ bản là một lớp vi khuẩn có thể phát triển bên trong cốc, đặc biệt nếu chúng chứa chất lỏng như cà phê hoặc sữa", tiến sĩ Pasiah nói.

Vi khuẩn như tụ cầu vàng và E. coli có thể tồn tại trên bề mặt trong nhiều ngày, vì vậy hãy sử dụng nước nóng, xà phòng và bọt biển hoặc bàn chải sạch để rửa sạch các loại ly, cốc đúng cách và để chúng khô tự nhiên để tránh lây lan vi khuẩn từ khăn.

Mỹ Ý (Theo Express)

Bạn đang đọc bài viết "7 vật dụng bẩn nhất trong bếp" tại chuyên mục SỨC KHỎE. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com