Ngân hàng Nhà nước đã có lộ trình tái cơ cấu SCB

19/04/2024 20:30

Nhà điều hành đang xây dựng lộ trình để tái cơ cấu SCB, nghiên cứu khẩn trương giải pháp và cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú tại phiên họp sáng 19/4. Ảnh: SBV.

Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có những chia sẻ liên quan đến giải pháp cơ cấu SCB và các ngân hàng yếu kém bị chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, ông Tú cho biết vụ án Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan do Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử, trong đó có sai phạm của ngân hàng SCB, quan điểm của NHNN là tất cả những sai phạm này do cá nhân gây ra. Xét về cơ chế, chính sách, quy định về cho vay và quản lý của Nhà nước, Chính phủ, ngành ngân hàng đã có quy định đầy đủ, chặt chẽ.

Nói về giải pháp hỗ trợ SCB khi nhà băng này rơi vào tình trạng khó khăn thanh khoản, "thậm chí được xem là khủng hoảng", Phó thống đốc Tú cho biết giống như nhiều nước trên thế giới thì Chính phủ và NHNN đã có giải pháp kịp thời can thiệp để đảm bảo hệ thống chung, hệ thống tài chính của quốc gia, cũng như hệ thống các ngân hàng thương mại hoạt động an toàn.

Đối với SCB, khi ngân hàng này xảy ra mất cân đối thanh khoản vào tháng 10/2022, lập tức NHNN có chức năng hỗ trợ và luật pháp cũng đã quy định cơ quan phải có nhiệm vụ thực hiện các giải pháp cần thiết để ổn định tình hình SCB.

Ông Tú cho biết NHNN đang có những giải pháp và chính sách kể cả luật hóa để can thiệp nhằm đảm bảo sự ổn định, trước hết là cho ngân hàng yếu kém và sau đó là đến hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như đảm bảo an ninh trật tự của xã hội.

“SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động”, lãnh đạo NHNN cho biết.

Phó thống đốc NHNN cho rằng SCB không phải ngân hàng đầu tiên rơi vào tình trạng yếu kém và phải xử lý. Trước SCB, đã có nhiều trường hợp ngân hàng yếu kém và được NHNN ứng xử, giải quyết phù hợp. Đây là biến động chung của nền kinh tế, và ngay cả các nước trên thế giới cũng đang phải đối diện với tình huống tương tự.

Ngoài ra, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh rằng giải pháp đang không chỉ được áp dụng khẩn trương tại SCB mà còn tại 3 ngân hàng ở diện chuyển giao bắt buộc khác gồm CBBank, OceanBank, GPBank. Hiện 3 ngân hàng này đã xong bước định giá từ các đơn vị có thẩm quyền và nghiệp vụ để định giá. Dự kiến sớm được phê duyệt chủ trương tái cơ cấu trong thời gian tới.

Nói thêm về việc hỗ trợ SCB, Phó thống đốc cho biết trong các biện pháp hỗ trợ NHNN đưa ra để đảm bảo sự ổn định của ngân hàng này có khoản cho vay của ngân hàng trung ương với ngân hàng thương mại, khoản vay này đã được luật định các điều khoản và thực hiện đúng các quy định cho phép.

"Việc cho vay thì phải đảm bảo thu hồi nợ, việc cung ứng tiền dù nhiều hay ít NHNN đều có công cụ để điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho vay SCB hay những nghiệp vụ tái cấp vốn, cho vay với các ngân hàng thương mại bình thường hiện nay", ông Tú nói và nhấn mạnh trong đề án tái cơ cấu sẽ có rà soát để đảm bảo các biện pháp cho vay, thu nợ được xác định đầy đủ, rõ ràng.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng Nhà nước đã có lộ trình tái cơ cấu SCB" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com