Tập đoàn Sao Mai muốn không chia hàng trăm tỷ đồng cổ tức năm 2022

29/03/2023 16:03

Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn để phòng chống suy thoái kinh tế, cũng như tránh pha loãng cổ phiếu.

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới công bố, Tập đoàn Sao Mai (Mã chứng khoán: ASM) sẽ lấy ý kiến về việc không chia cổ tức năm 2022 như đã thống nhất từ năm ngoái.

Lãnh đạo tập đoàn giải trình nhằm đảm bảo ổn định hoạt động trong công cuộc phòng chống suy thoái kinh tế, đồng thời để tránh pha loãng cổ phiếu dưới hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Công ty dự định dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi kinh tế ổn định và tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi thì HĐQT xem xét trình lại cổ đông.

Trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, các cổ đông đã thống nhất cao về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 dao động 20-30% bằng tiền mặt, tức vào khoảng 670-1.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

CHỈ TIÊU KINH DOANH CỦA TẬP ĐOÀN SAO MAI

Nhãn Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 KH 2023
Doanh thu Tỷ đồng 881 1406 2100 8887 14224 12525 11398 13749 15250
Lãi sau thuế Tỷ đồng 86 174 168 1198 823 572 704 963 545

Nhìn lại năm 2022, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu 13.750 tỷ và lãi sau thuế 963 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 37% so với năm liền trước. Dù có tăng trưởng, doanh nghiệp chỉ thực hiện được 59% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp còn hơn 499 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn còn lại hơn 489 tỷ đồng.

Một nội dung đáng chú ý khác là tập đoàn muốn hủy phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã được thông qua vào tháng 4/2022, khi thị trường chứng khoán không thuận lợi.

Theo kế hoạch ban đầu, Sao Mai dự định phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 50%. Giá phát hành là 12.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng có thể huy động hơn 2.000 tỷ đồng.

Công ty lý giải đã ngưng thực hiện đầu tư các dự án theo tờ trình năm ngoái, đồng thời tìm được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập đoàn Sao Mai còn thực hiện sắp xếp lại nhân sự thượng tầng, sau khi nhận được đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Lê Thanh Thuấn (người sáng lập), bà Lê Thị Nguyệt Thu (đang là chủ tịch HĐQT và là con gái ông Thuấn) và ông Nguyễn Văn Phụng.

Lý do nhà sáng lập Lê Thanh Thuấn và Chủ tịch HĐQT Lê Thị Nguyệt Thu từ nhiệm là nhằm đáp ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ.

Hiện ông Lê Tuấn Anh (con trai ông Thuấn) đang giữ chức Phó tổng giám đốc. Ngày 1/3 vừa qua, ông Lê Nguyễn Hoàng Anh Duy (chồng bà Thu) cũng được bổ nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc.

Nhằm đáp ứng theo yêu cầu điều hành và phát triển, Hội đồng quản trị trình việc bầu bổ sung thêm 1 thành viên là ông Lê Văn Thành (sinh năm 1964) cho vị trí chủ tịch HĐQT. Ông Thành cũng chính là em trai ông Thuấn.

Về chỉ tiêu kinh doanh năm 2023, tập đoàn lên kế hoạch doanh thu tăng trưởng 11% lên 15.250 tỷ. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 43% về mức 545 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức năm 2023 dự kiến 5-10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Tập đoàn Sao Mai là doanh nghiệp đa ngành quy mô lớn tại tỉnh An Giang. Tập đoàn này từ mảng chủ lực là xuất khẩu cá tra đã mở rộng mạnh sang nhiều lĩnh vực như mới bất động sản, năng lượng, du lịch…

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bạn đang đọc bài viết "Tập đoàn Sao Mai muốn không chia hàng trăm tỷ đồng cổ tức năm 2022" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com