Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế

17/01/2023 20:30

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Tổ chức Chăm sóc sức khỏe quốc tế Hàn Quốc (KOFIH), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ký biên bản ghi nhớ về hợp tác triển khai Dự án ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam.

Dự án (trị giá 3,2 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại thông qua KOFIH) nhằm hỗ trợ triển khai phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà", dự kiến tại 10 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hậu Giang, Bến Tre và Tây Ninh với tổng dân số khoảng 10 triệu người.

Các mục tiêu của dự án là nhằm cải thiện sức khỏe các nhóm yếu thế (bị hạn chế bởi các yếu tố về cung ứng) thông qua việc cải thiện tiếp cận với dịch vụ y tế và tăng cường chuyển đổi số trong y tế nhằm góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở.

Thêm vào đó, dự án sẽ nâng cấp phần mềm và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật số, cung cấp máy chủ, thiết bị công nghệ thông tin, đào tạo và hoàn thiện khung pháp lý về y tế từ xa.

TTND.PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ tin tưởng dự án sẽ được thực hiện thành công, hiệu quả để người dân có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế một cách chất lượng.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP nhấn mạnh, mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe từ xa cấp cơ sở trên toàn quốc, trong đó nhân viên y tế tuyến cơ sở có thể nhận được hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn để bệnh nhân, đặc biệt là những người thuộc các nhóm yếu thế được chăm sóc kịp thời với chất lượng cao nhất.

UNDP sẵn sàng tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế và KOFIH để hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu chiến lược phát triển nông thôn mới đến năm 2025 và Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số trong ngành y, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà" được triển khai thí điểm tại ba tỉnh miền núi (Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn) và nhân rộng ra 5 tỉnh tiếp theo là Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Cà Mau, Đắk Lắk từ tháng 11/2022.

5 máy chủ được chứng nhận đảm bảo an toàn thông tin bởi Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) và 75 bộ thiết bị y tế từ xa bao gồm máy tính, webcam, micro, loa đã được bàn giao cho 5 sở Y tế tỉnh. Ngoài ra, đã cung cấp 30 khóa đào tạo trực tuyến cho 1.978 nhân viên y tế từ 736 cơ sở y tế (tính đến hết tháng 12 năm 2022).

Thùy Dung 


Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế" tại chuyên mục SỨC KHỎE. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com