Rúp Nga chạm đáy 11 tháng, USD kéo dài chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp, bảng Anh có tháng 3 tăng mạnh nhất 4 tháng

02/04/2023 08:01

Đồng USD tăng so với đồng euro vào thứ Sáu (31/3) nhưng tính chung cả tuần giảm tuần thứ 5 liên tiếp so với đồng tiền chung, sau khi tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ chậm lại làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ thay đổi định hướng về lãi suất.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 tăng vừa phải, sau khi tăng mạnh trong tháng 1, và mặc dù lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.

Dữ liệu cũng cho thấy lạm phát khu vực đồng euro giảm kỷ lục trong tháng 3, nhưng áp lực giá cơ bản (loại trừ lương thực và năng lượng) tăng nhanh, tiếp tục gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tiếp tục tăng lãi suất.

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cao cấp thuộc Convera ở Washington, cho biết: "Chi tiêu của người tiêu dùng (Mỹ) chậm lại và lạm phát thấp hơn phù hợp với quan điểm rằng Fed gần như sắp hạ lãi suất". Song ông thêm rằng: "(Ở châu Âu) lạm phát cơ bản đã tăng tốc lên mức cao kỷ lục mới. Điều đó phù hợp với việc ECB tăng lãi suất nhiều hơn so với Fed khi cộng dồn mức tăng trong của năm."

Đồng euro kết thúc phiên 31/3 giảm 0,48% xuống 1,0852 USD/EUR sau các dữ liệu trên. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, đồng tiền châu Âu đã tăng 0,8%, là tuần tăng thứ 5 liên tiếp so với đồng bạc xanh, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 8 năm 2020.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên tăng nhẹ 0,35%, nhưng tính chung trong tháng 3 giảm 0,59% và trong quý I/2023 giảm gần 2%.

Rúp Nga chạm đáy 11 tháng, USD kéo dài chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp, bảng Anh có tháng 3 tăng mạnh nhất 4 tháng - Ảnh 1.

So với đồng Việt Nam trong phiên này, tỷ giá USD niêm yết giảm nhẹ nhưng tỷ giá USD thị trường tự do tăng nhẹ.

Fed được cho là có khả năng tăng lãi suất tham chiếu qua đêm vào tháng 5, nhưng cũng có thể không tăng lãi suất. Nhưng ngay cả khi có tăng thì họ cũng sẽ nhanh chóng đảo ngược tiến trình và kết thúc năm với lãi suất thấp hơn so với đầu năm, theo phân tích từ các hợp đồng tương lai gắn liền với lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương.

"Cảm giác của tôi là Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5, và chỉ có thế ... nhưng tôi có thể thấy ECB vẫn tăng mạnh lãi suất vào mùa hè," Stuart Cole, nhà kinh tế vĩ mô trưởng của Equiti Capital, cho biết.

“Bạn có thể thấy điều đó là tích cực đối với EUR/USD từ góc độ lãi suất,” ông nói.

Tuần tới, các cuộc họp của ngân hàng trung ương sẽ diễn ra ở Úc và New Zealand. Các thị trường dự kiến Úc sẽ tạm dừng tăng lãi suất và New Zealand giảm tốc độ khi chỉ tăng 25 điểm cơ bản.

Đồng đô la Úc giảm 0,45% trong phiên 31/3, trong khi đồng đô la New Zealand giảm 0,1%, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ chậm hơn trong tháng 3, làm dấy lên nghi ngờ về sức mạnh phục hồi của các nhà máy nước này sau dịch COVID với nhu cầu toàn cầu và thị trường bất động sản yếu.

Đồng bảng Anh giảm 0,4% vào thứ Sáu xuống còn 1,2337 USD, do triển vọng kinh tế u ám làm lu mờ dữ liệu cho thấy nước Anh đã tránh được suy thoái kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Mặc dù vậy, trính chung trong tháng 3, bảng Anh vẫn tăng mạnh nhất trong 4 tháng (tăng 3%) và trong quý I/2023 tăng 2,4%.

Cùng với sự cải thiện về triển vọng kinh tế, đồng bảng Anh đang được hưởng lợi từ niềm tin của thị trường rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất.

Dữ liệu vào thứ Sáu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tăng 0,1% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 sau khi ước tính sơ bộ là không tăng trưởng.

Đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 tháng so với đồng đô la và đồng euro vào thứ Sáu, do những bất lợi về địa chính trị liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và nỗ lực kiếm lợi từ giá dầu tăng cao.

Kết thúc phiên, đồng rúp giảm 0,6% so với USD, xuống 77,54 RUB/USD, trước đó có lúc chạm 77,9500, mức yếu nhất kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2022.

Đồng rúp cũng chạm mức thấp nhất trong hơn 11 tháng so với đồng euro và nhân dân tệ. Cụ thể, rúp giảm 0,1% xuống giao dịch ở mức 84,47 so với đồng euro và giảm 0,7% so với đồng nhân dân tệ xuống 11,28 CNY.

Đồng rúp đang có xu hướng suy yếu đều đặn trong suốt tháng 3 và quý đầu tiên, dưới áp lực từ bên ngoài kể từ khi phương Tây áp giá trần đối với doanh số bán dầu của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 12 cùng với lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với việc mua dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Trái với rúp Nga, nhân dân tệ của Trung Quốc tăng giá so với USD vào thứ Sáu và tính chung cả quý tăng quý thứ 2 liên tiếp do tâm lý thị trường được hỗ trợ bởi dữ liệu sản xuất tốt hơn mong đợi và những bình luận chính thức lạc quan về triển vọng kinh tế.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã vượt kỳ vọng của thị trường vào tháng 3, mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại, trong khi hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong gần 12 năm.

Đồng nhân dân tệ giao ngay kết thúc phiên 31/3 tăng 126 pip lên 6,8584 CNY/USD. Tính chung trong tháng 3, CNY tăng nhẹ khoảng 0,6% so với USD, đánh dấu mức tăng hàng quý thứ hai liên tiếp. 

Nguồn: Refinitiv

Bạn đang đọc bài viết "Rúp Nga chạm đáy 11 tháng, USD kéo dài chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp, bảng Anh có tháng 3 tăng mạnh nhất 4 tháng" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com