Rủi ro khoảng lệch với các hoạt động “buôn tiền”

28/11/2022 08:20

Chuyên gia từ AFA Capital cho rằng, thời kỳ tiền dễ đã chấm dứt, những cá nhân, tổ chức có hoạt động “buôn tiền” phải vô cùng cẩn trọng, tránh rơi vào bẫy khoảng lệch của kỳ hạn, lãi suất và tỷ giá.

Nhiều tổ chức “buôn tiền”

Theo phân tích của các chuyên gia từ AFA Capital, thông thường trên bảng cân đối của một doanh nghiệp luôn luôn có phần tài sản và nguồn vốn. Trong nghiệp vụ ngân hàng sẽ có bộ phận nghiệp vụ quản lý tài sản và nguồn vốn đó để khi có xu hướng về lãi suất, họ sẽ dịch chuyển tăng tài sản lên ở các kỳ hạn dài hay giảm nguồn nợ ở các kỳ hạn ngắn.

Rủi ro khoảng lệch với các hoạt động “buôn tiền” - Ảnh 1.

Giai đoạn 2020-2021 được gọi là giai đoạn tiền dễ với lãi suất thấp có nhiều doanh nghiệp vay với lại suất cực kỳ thấp 2-3% sau đó đem đi đầu tư

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital nêu ví dụ, giả sử một ngân hàng lớn nhìn thấy xu hướng lãi suất có thể tăng, thì ngân hàng đó sẽ huy động dài hạn và cho vay ngắn hạn. Để khi lãi suất tăng có thể điều chỉnh lãi suất khoản vay, còn huy động dài giúp cố định chi phí. Ngược lại, nếu lãi suất có xu hướng giảm, ngân hàng sẽ huy động ngắn hạn và cho vay dài hạn. Đây là một nguyên tắc đơn giản khi bảng cân đối tài sản của ngân hàng càng lớn thì việc “buôn tiền” sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Việc buôn tiền này không chỉ nằm ở các tổ chức chuyên nghiệp như ngân hàng mà đến nay có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng buôn tiền. Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, những tổ chức buôn tiền chuyên nghiệp thường có đội ngũ nhân sự, nguồn lực, thông tin và nguồn vốn tốt. Trong báo cáo tài chính quý 3/2022 cũng cho thấy, ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp kinh doanh tiền áp dụng nghiệp vụ này của ngân hàng. Đơn giản là doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, sau đó mang tiền vay đó đi đầu tư chứng chỉ tiền gửi hoặc mua trái phiếu.

Có những doanh nghiệp được mệnh danh là “quán quân” về số dư tiền, nhưng nhiều người lại không nhìn ra số dư tiền từ đâu, trong đó có tiền tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn là các khoản tiền gửi trên 3 tháng và tiền đó đến từ đi vay ngắn hạn để phục vụ cho mục đích “buôn tiền”. Giai đoạn 2020-2021 được gọi là giai đoạn tiền dễ với lãi suất thấp có nhiều doanh nghiệp vay với lại suất cực kỳ thấp 2-3%, nhưng nếu chúng ta kỳ vọng lãi suất trên thị trường tăng thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo ông Long, khi lãi suất tăng, những khoản nợ vay ngắn hạn khiến chúng ta có chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa kể những rủi ro xảy ra khi thị trường trái phiếu, thị trường tài chính gặp vấn đề như hiện nay. Cụ thể, có những doanh nghiệp báo lãi nhưng họ đi vay ngắn hạn đầu tư trái phiếu dài hạn và sự sụt giảm giá trị trái phiếu vẫn chưa được phản ánh.

Bẫy khoảng lệch

Thực tế ở năm 2020-2021, việc buôn tiền là một nguồn tạo ra doanh thu, thu nhập tài chính rất tốt, được xem là hợp lý. Thậm chí có những doanh nghiệp ép đối tác, ép nhà cung cấp hàng hóa dù chưa trả tiền nhưng phải phát hành hóa đơn, khi nhập hàng về có hóa đơn, doanh nghiệp có thể mang đi cầm cố tại ngân hàng vay với lãi suất thấp rồi quay trở lại đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu.

Rủi ro khoảng lệch với các hoạt động “buôn tiền” - Ảnh 2.

Khi lãi suất và tỷ giá tăng lên, tạo ra những khoản lỗ cho các doanh nghiệp buôn tiền, nếu những công ty này không có năng lực buôn tiền chuyên nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính

Trong khi trái phiếu có lãi suất cố định còn lãi suất đi vay thường là lãi suất thả nổi là lấy lãi suất bình quân cùng kỳ hạn cộng với phần biên độ, lãi suất tiền gửi bình quân cùng kỳ hạn đó theo thời gian sẽ tăng lên trong khi đầu ra bị cố định. Điều này dẫn tới các doanh nghiệp “buôn tiền” gặp tình trạng gọi là khoảng lệch. Khi lãi suất và tỷ giá tăng lên, tạo ra những khoản lỗ cho các doanh nghiệp buôn tiền, nếu những công ty này không có năng lực buôn tiền chuyên nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính. Cụ thể là ba loại khoảng lệch như sau:

Thứ nhất , khoảng lệch về kỳ hạn, nếu chúng ta không kiểm soát được chênh lệch về thời gian đáo hạn thì sẽ bị lỗ, vì khoảng cách về kỳ hạn sẽ xảy ra nếu không đúng chiều lãi suất.

Ví dụ một doanh nghiệp đi vay ngắn hạn 6 tháng, nhưng lại mua trái phiếu 1-2 năm, thì đó chính là khoảng lệch kỳ hạn và trái phiếu 1-2 năm đó tạo ra câu chuyện về thanh khoản của các doanh nghiệp khi khoản đầu tư thì dài trong khi khoản vay thì ngắn. Chưa kể, nếu trong tình trạng “room” tín dụng hiện nay bị hạn chế, doanh nghiệp không thể vay được tiền, ngay cả khi được vay với lãi suất cao cũng đã là tốt. Đây là một rủi ro mà nếu các nhà đầu tư quan sát, nghiên cứu các doanh nghiệp sẽ phải xem bảng cân đối rất kỹ.

Thứ hai , về lãi suất, nếu chúng ta vay với mức lãi suất thả nổi trong khi chúng ta đi mua trái phiếu của một doanh nghiệp hưởng mức lãi suất cố định, mà lãi suất hiện này đang trong xu hướng tăng mạnh, như vậy chi phí đầu vào tăng mạnh còn lợi suất trái phiếu chỉ được hưởng cố định, chưa kể đến việc trái phiếu bị bán tháo do doanh nghiệp có vấn đề khiến chúng ta vừa bị lỗ phần lãi đầu vào và cả lãi đầu ra.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Nguyễn Minh Tuấn khuyến nghị, vấn đề này cũng có thể áp dụng cho tài chính cá nhân, khi bản thân mỗi người cũng có khoảng lãi kỳ hạn như khi vay mua nhà rất dài trong khi những khoản có lãi hoặc thu nhập đang rất thấp. Hoặc trong trường hợp cho thuê nhà, cố định về mức phí cho thuê nhưng khoản vay ngân hàng lại bị biến động thì cũng gây ra khoảng lệch lãi suất. “Đây là những lý thuyết chung về đầu tư không chỉ áp dụng cho tài chính ngân hàng, tài chính doanh nghiệp mà ngay trong bảng cân đối tài sản cá nhân cũng sẽ bị”.

Thứ ba là khoảng lệch tỷ giá . Ông Long cho biết, một điểm khi quan sát trong dữ liệu của các doanh nghiệp niêm yết là năm 2021, có doanh nghiệp vay dài hạn bằng đồng đô la Mỹ dẫn đến khoản lệch tỷ giá lớn.

“Chúng tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp vay bằng đồng USD vào thời điểm năm 2021 lãi vay rất thấp, khi đó lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ 0,25%. Việc vay bằng đồng USD trong dài hạn và mang tiền đi đầu tư vào trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi bị cố định, trong khi đây lại là tài sản VND. Vì nếu đầu tư tiếp tục bằng đồng USD thì lãi suất rất thấp nên họ phải chuyển sang đầu tư bằng VND và khoản thu nhập của họ từ hoạt động kinh doanh chính cũng bằng VND. Nhưng đến nay, tỷ giá và lãi suất tăng rất mạnh do Fed tăng lãi suất khiến tỷ giá VND/USD chịu sức ép lớn, VND mất giá khoảng 10%.

Vì thế, doanh nghiệp nào vay bằng ngoại tệ cụ thể bằng đồng đô la Mỹ mà đi đầu tư vào các sản phẩm tài chính như chứng chỉ tiền gửi trái phiếu VND thì sẽ chịu khoản lỗ rất lớn”, ông Long phân tích.

Các chuyên gia đều chung quan điểm rằng, chúng ta cần nhìn thấy chúng ta đang kiếm lợi từ đâu? Dù chủ thể là doanh nghiệp, ngân hàng hay cá nhân đều có thể kiếm lợi từ việc đánh giá các khoảng lệch, nhưng phải kiểm soát được rủi ro khoảng lệch về kỳ hạn, lãi suất, tỷ giá. Nhưng có một vấn đề là phần lớn chúng ta là những nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp không chuyên như doanh nghiệp sản xuất, công nghệ thông tin, bán lẻ,... mà “chơi trò chơi” tài chính và không có nguồn lực, không có khả năng kiểm soát rủi ro, thì khi thị trường diễn biến bất lợi như hiện tại sẽ tạo ra khoản lỗ rất lớn.

“Có thể nói, đây là một hoạt động chuyên nghiệp và cần có phân tích vĩ mô cẩn trọng. Ngay cả các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đều phải có phòng phân tích, đánh giá để đưa ra định hướng có tiếp tục thực hiện những việc này hay không. Còn những doanh nghiệp muốn "chơi trò chơi" này, cần phải có nguồn lực lớn, hay các cá nhân muốn tham gia vào đầu tư thì khả năng phân tích vĩ mô cũng như thấu hiểu sự biến động trong thị trường tài chính là việc vô cùng quan trọng”, ông Tuấn nói.

Bạn đang đọc bài viết "Rủi ro khoảng lệch với các hoạt động “buôn tiền”" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com