"Nuôi quân, chờ thời" hay cú delay vô thời hạn của IPP Air Cargo?

30/10/2022 12:33

Sự rút lui đầy bất ngờ của IPP Air Cargo khiến cho danh sách những đại gia dừng chân trước ngưỡng cửa hiện thực hoá “giấc mơ bay” ngày càng dài thêm.

Mới đây vợ chồng ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn đã có một quyết định bất ngờ khi có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được nộp vào đầu tháng 1/2022 và dừng các hoạt động cấp phép bay theo quy định.

Lý do được đại diện IPP Air Cargo đưa ra bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có diễn biến xấu, suy thoái toàn cầu ngày một hiện hữu, biến động giá nhiên liệu khiến ngành vận chuyển hàng hóa toàn cầu sẽ gặp khó khăn.

IPP Air Cargo cho biết, khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, hãng bay này sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp và chấp nhận việc nộp lại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ đầu, theo đúng chủ trương và quy định của Nhà nước tại thời điểm nộp hồ sơ.

Quyết định của "sự bất ngờ"

Quyết định của vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn tại thời điểm này là rất bất ngờ bởi sau cái “gật đầu” của hàng loạt Bộ, ngành, hãng hàng không này đang ở những bước cuối cùng để tiến đến đường băng, chính thức cất cánh trên bầu trời hàng không Việt.

Sự bất ngờ cũng bởi việc ra đời của hãng hàng không IPP Air Cargo được phần lớn dư luận, các chuyên gia trong ngành hàng không và ngay cả phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ủng hộ, đánh giá cao thậm chí kỳ vọng lớn, coi đó như bước ngoặt cho ngành hàng không Việt đặc biệt khi thị phần vận tải hàng hóa chuyên dụng vẫn đang thiếu vắng bóng dáng của một doanh nghiệp Việt.

Sự bất ngờ một phần cũng bởi mới chỉ gần đây, tại một sự kiện ngày 8/9, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vui vẻ chia sẻ về việc Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi lấy ý kiến lần cuối từ phía công ty về việc cấp phép IPP Air Cargo. Ông “vua hàng hiệu” còn không quên khẳng định: “Đây là một tin vui, tin nóng đối với chúng tôi bởi sự đánh dấu kỷ niệm 27 năm Việt Nam mở cửa bầu trời ra thế giới”.

Và chính lời khẳng định đó đã khiến người ta tưởng rằng việc Việt Nam lần đầu tiên sẽ có một hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên dụng nay mai thôi sẽ thành chuyện “đã rồi”. Nhưng đúng thật là "30 chưa phải Tết" và chuyện kinh doanh vẫn luôn đầy rẫy những chờ “ngờ”.

Và nhiều người lại tìm thấy cảm giác thân quen với “sự bất ngờ” bởi trước đó đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, được ông Johnathan Hạnh Nguyễn đưa ra vào tháng 6/2021 – đó cũng là thời điểm được cho là bất ngờ và dũng cảm. Là bởi ngay lúc đó đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ngành hàng không điêu đứng vì không thể cất cánh với mức lỗ đậm hàng nghìn tỷ.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nuôi quân, chờ thời' hay cú delay vô thời hạn của IPP Air Cargo?

Trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo cũng vào một thời điểm đầy bất ngờ. 

Và để giải thích cho quyết định đó, chính ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chia sẻ rằng quyết định đó không có gì là bất ngờ khi ông và IPP Group đã có thời gian dài “nuôi quân, chờ thời”.

“Tôi làm gì cũng tính toán kỹ, có những dự án phải lên ý tưởng, kế hoạch đến 10 năm mới thực hiện chứ không phải đợi nước đến chân mới nhảy. Còn với việc lập hãng bay chở hàng hoá, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm nên thời cơ chín muồi đã đến thì phải làm ngay. Mình không ra đúng thời điểm là đánh mất cơ hội vàng”, Chủ tịch IPP Group chia sẻ tại thời điểm quyết định đề xuất thành lập IPP Air Cargo.

Và trước những sự bất ngờ về quyết định thoái lui, có lẽ vợ chồng ông cũng như bộ máy của IPP Group đã có sự tính toán kỹ lưỡng, “so bó đũa, chọn cột cờ” chứ không chỉ đơn thuần dựa vào một quyết định chớp nhoáng như người ta vẫn đang thấy nhất là khi trong gần 2 năm theo đuổi "giấc mơ IPP Air Cargo" không phải là thị trường không có những biến động. 

Thời điểm thích hợp hay "delay vô thời hạn"?

Tất nhiên người ta vẫn có quyền hy vọng về sự quay trở lại của IPP Air Cargo bởi doanh nghiệp này vẫn để ngỏ cơ hội tái xuất tại “thời điểm thích hợp” khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai. Và từ nay đến "thời điểm thích hợp đó", có lẽ ông Johnathan Hạnh Nguyễn và IPP Group lại sẽ có thêm một quãng thời gian để “nuôi quân, chờ thời”.

Và cũng tất nhiên đó cũng là chuyện của tương lai nhưng hiện tại với sự rút lui của ông “vua hàng hiệu” đang khiến cho danh sách những đại gia “vô duyên" (hay vì một lý do nào đó mà cái duyên chưa tới) khi tham gia vào thị trường hàng không dài thêm. Mà vốn dĩ trên thực tế, trong hơn 20 năm qua, danh sách này không hề ngắn.

Trước đó, Vinpearl Air của Vingroup là cái tên mới nhất dừng cuộc chơi trong lĩnh vực vận tải hàng không.

Cụ thể, đầu năm 2020, sau 2 tuần trình lên Chính phủ, Vingroup công bố dừng dự án Vinpearl Air. Theo lý giải của ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia; việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, trong khi họ cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ - công nghiệp.

Trước đó, AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á của Malaysia - đã xâm nhập thành công tại nhiều thị trường như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… nhưng lại có tới 4 lần thất bại trong nỗ lực mang thương hiệu vào Việt Nam, kéo dài từ năm 2005 đến năm 2019.

Cụ thể, AirAsia đã thua dưới “tay” Qantas Airlines năm 2005 trong thương vụ đầu tư tái cấu trúc Pacific Airlines để trở thành Jetstar Pacific như hiện nay.

Ba lần tiếp theo, AirAsia thất bại khi muốn hợp tác với tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) năm 2007, với Vietjet Air năm 2010, với Thiên Minh và Hải Âu năm 2017 vì vấp phải một số trở ngại.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nuôi quân, chờ thời' hay cú delay vô thời hạn của IPP Air Cargo? (Hình 2).

Trong hơn 20 năm qua, ngành hàng không cũng chứng kiến sự “ngã ngựa” của nhiều đại gia tham gia vào thị trường khó tính này.

Hãng Blue Sky Air (hàng không Bầu Trời Xanh) được cấp phép hoạt động vào tháng 8/2010 nhưng đã lập tức chìm nghỉm kể từ khi gây tiếng vang về việc ra mắt.

Trong năm 2008, có tới 3 hãng bay được cấp phép là Trãi Thiên Air Cargo, Indochina Airlines và Air Mekong, song số phận của cả 3 cũng không khá gì hơn.

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam được cấp phép chuyên vận chuyển hàng hóa –Trãi Thiên Air Cargo “chết yểu” vào năm 2011 vì sau 3 năm được cấp phép, nhưng không có bất cứ dấu hiệu gì về khả năng cất cánh.

Hãng Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng (công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc), về sau đổi tên thành Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) thì khá hơn, đã cất cánh lần đầu ngày 25/11/2008, nhưng cũng biến mất khỏi thị trường hàng không sau đó 3 năm vì gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

Hãng tư nhân Air Mekong với biệt danh “sếu đầu đỏ”, đại diện là công ty Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group), gắn với tên tuổi của chuyên gia giao thông - CEO Lương Hoài Nam - cũng sớm dừng bay sau hơn 5 năm ra mắt (tháng 2/2013) vì kinh tế khó khăn, hoạt động không hiệu quả.

Những cú "delay vô thời hạn" của những tên tuổi trong quá khứ và cả việc "tạm rút lui" của hiện tại đã nhiều lần chứng minh rằng hãng không vẫn luôn là “miếng bánh ngon” nhưng chưa chắc đã “dễ nuốt”. 

3 “sự thật” từ sự thoái lui của IPP Air Cargo

Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế (Trường Đại học Giao thông vận tải), cho rằng việc IPP Air Cargo rút ra khỏi "cuộc chơi" ở phút chót là một diễn biến bình thường trên thị trường khi doanh nghiệp cảm thấy không đủ năng lực hay khả năng kinh doanh trước những biến động của thị trường.

"Đây bản chất là một quyết định kinh tế do đó chúng ta phải coi việc IPP Air Cargo hay bất kỳ một doanh nghiệp nào không tiếp tục hoạt động thậm chí phá sản là một việc hết sức bình thường theo quy luật thị trường. Đó là sự sòng phẳng của thị trường đối với doanh nghiệp", ông Bình khẳng định.

Tuy nhiên ông Thái cũng bày tỏ sự tiếc nuối trước quyết định của IPP Air Cargo bởi thị trường hàng không Việt đang đứng trước “ngưỡng cửa” lần đầu tiên có một hãng hàng không vận tải hàng hóa chuyên dụng.

Từ quyết định thoái lui của IPP Group, Chuyên gia này cũng chỉ ra 3 “sự thật” có thể nhìn thấy.

Thứ nhất, hàng không vẫn luôn là một lĩnh vực "kén" người chơi và tiềm lực tài chính hay kinh nghiệm thậm chí uy tín cá nhân trong lĩnh vực chưa thể là một đảm bảo cho thành công.

Thứ hai, nền kinh tế Việt mà cụ thể hơn là sức khỏe của doanh nghiệp Việt vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức và gánh nặng do nhiều biến động của thị trường bất chấp những nỗ lực phục hồi trong giai đoạn mới của cả Chính phủ và bản thân cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba, hàng không dù có tốc độ phục hồi nhanh chóng nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khăn.

Tiêu dùng & Dư luận - 'Nuôi quân, chờ thời' hay cú delay vô thời hạn của IPP Air Cargo? (Hình 3).

Theo hồ sơ xin cấp phép lập hãng hàng không, IPP Air Cargo dự kiến khai thác bằng máy bay Boeing 737, 777, Airbus A330 và tương đương với số lượng 5 chiếc (bắt đầu từ năm 2022), tăng dần lên thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo. 

Bạn đang đọc bài viết ""Nuôi quân, chờ thời" hay cú delay vô thời hạn của IPP Air Cargo?" tại chuyên mục HÀNG HÓA. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com