Lăng kính chứng khoán 7/2: Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

07/02/2023 08:08

Nhà đầu tư nên canh các nhịp hồi phục để giảm tỉ trọng cổ phiếu và để tham gia mua mới trở lại thì cần chờ sự cải thiện của thanh khoản thị trường.

Sự trở lại của nhóm vốn hoá lớn đã kéo VN-Index gần hơn với 1.100 điểm ở những phút cuối phiên, tuy nhiên thanh khoản vẫn tụt cho thấy dòng tiền chưa được lan toả.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/2, VN-Index tăng 12,14 điểm, tương đương 1,13% lên 1.089,29 điểm. Toàn sàn có 182 mã tăng, 136 mã giảm và 49 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,81 điểm, tương đương 0,38% xuống 214,47 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 83 mã giảm và 128 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,42 điểm lên 75,96 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 22 mã tăng giá.

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 8.243 tỷ đồng, giảm 31% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 32% về 7.270 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 3.501 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 7/2: Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh

% thay đổi giá trị giao dịch so với phiên trước của các ngành có thanh khoản lớn nhất (Nguồn: TPS).

Xu hướng ngắn hạn đang ngày càng rủi ro

Chứng khoán TVSI: VN-Index kết phiên với cây nến dạng marubozu với giá đóng cửa ở mức cao nhất ngày sau hai cây nến Doji trước đó, cho thấy tín hiệu phục hồi trở lại sau phiên giảm. Phiên tăng điểm đi kèm thanh khoản thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa đủ tự tin để quay trở lại. 

TVSI cho rằng đây là nhịp hồi phục khi chỉ số bật lên từ hỗ trợ và là cơ hội để hạ tỉ trọng hơn là mua mới ngay lúc này. Đà tăng phiên 6/2 đến chủ yếu từ nhóm ngành ngân hàng nhưng các mã penny mới là những mã tăng tốt nhất.

Nếu việc này vẫn tiếp tục diễn ra thì rủi ro đang ngày càng đến gần. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ thêm các tín hiệu khác, đặc biệt là thanh khoản giao dịch trước khi muốn mua mới trong ngắn hạn.

Xu hướng ngắn hạn hiện tại đang ngày càng rủi ro. Chiến lược giao dịch ngắn hạn TVSI khuyến nghị là nhà đầu tư nên canh các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Để tham gia mua mới trở lại thì cần chờ sự cải thiện của thanh khoản thị trường

Vùng 1.050-1.060 là ngưỡng quan trọng cho xu hướng hồi phục

Chứng khoán TPS: VN-Index đã có phiên đảo chiều đầy tích cực và đóng cửa với mức tăng hơn 10 điểm, qua đó cho thấy lực mua vẫn đang hiện diện và sẵn sàng tham gia khi thị trường có sự điều chỉnh.

Tuy nhiên, xét về thanh khoản, khối lượng giao dịch khớp lệnh tiếp tục sụt giảm và duy trì dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất thể hiện tâm lý thận trọng ở cả 2 phe.

Trong khi áp lực chốt lời chưa quá lớn khi chỉ số đã về gần vùng hỗ trợ 1.050-1.060 điểm (đường SMA 100 ngày hiện diện cùng trendline giảm bắt đầu từ tháng 4/2022) trong khi bên mua hạn chế tham gia sau các tín hiệu kém sắc từ thị trường thế giới.

Hiện tại, vùng 1.050-1.060 điểm vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng cho xu hướng hồi phục của thị trường trong ngắn hạn. Nếu vùng này vẫn được giữ vững thì cơ hội test lại ngưỡng Fibonacci Retracement 61,8% là vẫn còn.

Thị trường có sẽ tiếp tục đi ngang

Chứng khoán Yuanta: Nhóm phân tích cho rằng thị trường có thế sẽ giảm và tiếp tục đi ngang gần đường trung bình 20 phiên của chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch tới.

Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn và dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, độ rộng xu hướng thị trường tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại. Đồng thời, các nhà đầu tư cần hạn chế gia tăng tỉ trọng cổ phiếu vào thời điểm này hoặc nếu có thì chỉ nên xem xét với ti trọng rất thấp.

Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn cao

Chứng khoán KBSV: VN-Index trải qua một nhịp rung lắc giằng co trong phiên trước khi hồi phục và mở rộng đà tăng điểm đến cuối phiên. Lực mua chủ động gia tăng quanh ngưỡng hỗ trợ gần 106x đã giúp cho chỉ số bật tăng trở lại sau hai phiên đi ngang trong biên độ hẹp.

Mặc dù vậy, rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh vẫn đang có phần lấn át chừng nào VN-Index vẫn chưa chinh phục thành công ngưỡng cản gần quanh 1.09x. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỉ trọng trading quanh ngưỡng kháng cự đã đề cập.

Bạn đang đọc bài viết "Lăng kính chứng khoán 7/2: Rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com