Hậu Covid-19, bị rụng răng do tiêu xương hàm làm gì để cải thiện?

02/10/2022 20:02

Một trong những bệnh cảnh đáng ngại hậu Covid-19đó là hiện tượng tiêu xương hàm, viêm hoại tử xương vùng sọ mặt.

Thông tin tại tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng công nghệ Safe Tech vào trồng răng implant”, các chuyên gia răng hàm mặt cho biết một trong những bệnh cảnh đáng ngại hậu Covid-19, đó là hiện tượng tiêu xương hàm, viêm hoại tử xương vùng sọ mặt. Theo các bác sĩ, không ít người sau khi khỏi Covid-19 đã bị rụng răng do tiêu xương hàm.

Trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Hoàng Dương - Giám đốc chuyên khoa cấy ghép implant và phục hình răng trong miệng Lạc Việt Intech cho biết, có nhiều bệnh lý dẫn tới tình trạng mất răng phổ biến nhất là viêm nha chu.

“Mất răng ở người Việt phần lớn là do hệ thống mất cân đối cân bằng vi khuẩn răng miệng. Điều này dẫn tới các vi khuẩn có hại gây tiêu xương tăng, phát triển đột biến làm cho xương bị tiêu đi, lợi bị sưng nề dẫn tới việc dù răng vẫn tốt, nguyên dạng nhưng lung lay dần, sau đó rụng ra ngoài.

Việc này có thể kiểm soát bằng việc tăng cường vệ sinh răng miệng, lấy cao răng định kỳ để kiểm soát vấn đề vi khuẩn răng miệng”, BS. Hoàng Dương cho hay.

Thêm vào đó, các bệnh lý toàn thân như bệnh lý tiểu đường gây lượng đường huyết cao dẫn tới viêm nhiễm, viêm nề do hệ thống vi khuẩn răng miệng mất cân đối. sinh kém, hành động quá thô bạo như nhai xương, vấn đề chấn thương…

Sức khỏe - Hậu Covid-19, bị rụng răng do tiêu xương hàm làm gì để cải thiện?

Có nhiều bệnh lý dẫn tới tình trạng mất răng phổ biến nhất là viêm nha chu.

Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh các bệnh lý nêu trên, bệnh nhân bị tiêu xương hàm hầu hết đều có biểu hiện đau vùng mặt, răng, vòng miệng trong giai đoạn bị nhiễm Covid-19, sau đó tiếp tục kéo dài âm ỉ không giảm.

Biểu hiện lâm sàng thường gặp là sưng viêm mi mắt, sưng vùng sọ trán, hoại tử xương hàm, răng, xương vòm miệng khó nhai sau đó bệnh nhân bị rụng răng dần rất đau đớn vùng xương hàm.

Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ khuyến cáo, người sau khi mắc Covid-19 từ 6-8 tháng nếu có tình trạng nhức đầu, viêm xoang được khuyến cáo nên đi chụp CT Scan não để kịp thời phát hiện, xử lý viêm nhiễm sớm, nếu để hình thành ổ áp xe, hoại tử xương hàm thì hậu quả rất nặng nề.

Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng vì tỉ lệ hoại tử xương vùng sọ, tiêu xương hàm sau Covid-19 là không cao.

Với những người bị mất răng phổ biến là viêm nha chu và các bệnh lý khác, BS. Dương cảnh báo đối với những người mất răng tốt nhất nên đi trồng lại răng, phục hồi răng trong thời gian vàng. Bởi sau 6 tháng, quá trình tiêu xương rất mạnh. Thêm nữa, trong trường hợp mất nhiều răng liên tục thì cần làm cầu implant (công nghệ số hóa giúp bác sĩ xác định chính xác mật độ xương, cấu trúc xương hàm của bệnh nhân và lên kế hoạch điều trị chính xác).

Những người mất răng lâu ngày ngoài bị tiêu xương, tiêu lợi dẫn tới tình trạng xô lệch khớp cắn. Thời gian vàng để điều trị rụng răng nên trong 3 – 6 tháng từ thời điểm mất răng.

Với những trường hợp lâu ngày quá đã dẫn tới tiêu xương, tiêu lợi sẽ phải chụp phim khảo sát, đo đạc lại về xương, tình trạng mô mềm…

Sức khỏe - Hậu Covid-19, bị rụng răng do tiêu xương hàm làm gì để cải thiện? (Hình 2).

Bệnh nhân hoại tử xương hàm "hậu Covid-19" điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước đó, hồi tháng 7/2022, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Hội đồng chuyên môn đã đưa ra kết luận về nguyên nhân gây tình trạng hoại tử xương hàm mặt ở bệnh nhân sau nhiễm Covid-19. Theo ông, đây không phải là một bệnh lạ, đặc biệt không phải có bệnh Covid-19 thì mới phát hiện bệnh này. Hiện nay, do khoa học và nhiều kỹ thuật tiến bộ nên ít ghi nhận bệnh.

Trong đó, bệnh ghi nhận trên thể trạng bệnh nhân mắc tiểu đường, suy giảm miễn dịch, mắc hoặc sau mắc Covid-19 hoặc liên quan các bệnh về răng, lợi… Với những bệnh nhân này, sức đề kháng kém, nếu mắc thêm bệnh thì sức khỏe sẽ yếu hơn, chứ không phải sau Covid-19 mới phát hiện bệnh này. PGS.TS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo, người dân không nên hoang mang, lo lắng. Căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị khỏi tại các cơ sở y tế nếu được phát hiện sớm.

Hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp, không phải là một bệnh lạ. Bệnh có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu, mặt, cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ - mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)...

Hội đồng chuyên môn cũng đưa ra một số khuyến cáo về các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán sớm trên bệnh nhân có tiền sử mắc Covid-19, gồm: Sưng, đau sọ - mặt kéo dài; dò mủ trong miệng, ngoài mặt; nhiều răng lung lay bất thường; loét niêm mạc, lộ xương.

Khi xuất hiện các triệu chứng trên, bệnh nhân cần được thực hiện hội chẩn các chuyên khoa liên quan, chụp cắt lớp vi tính. Đây là phương tiện tốt nhất để chẩn đoán sớm hoại tử xương sọ - mặt. Khi điều trị, cần phối hợp các chuyên khoa liên quan, phẫu thuật loại bỏ các tổ chức hoại tử.

Bạn đang đọc bài viết "Hậu Covid-19, bị rụng răng do tiêu xương hàm làm gì để cải thiện?" tại chuyên mục SỨC KHỎE. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com