Eximbank tăng vốn sau hơn một thập kỷ

06/02/2023 16:30

Ngân hàng tư nhân này sẽ chia cổ tức theo tỷ lệ 20% và qua đó sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 14.814 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông qua ngày đăng ký cuối cùng vào 20/2 để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/2.

Tỷ lệ phát hành là 20% (cổ đông cứ sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận được 2 cổ phiếu mới). Tổng khối lượng dự kiến phát hành gần 246 triệu cổ phiếu, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2021, sau trích lập các quỹ theo quy định.

Hiện ngân hàng xuất nhập khẩu này có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng và sau khi tăng vốn sẽ đạt tối đa 14.814 tỷ đồng.

Số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Eximbank trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hoạt động cho cổ đông. Số vốn này dự kiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng hoạt động kinh doanh...

Lần gần nhất Eximbank trả cổ tức là mức 4% bằng tiền mặt hồi giữa năm 2014. Trong khi lần tăng vốn gần nhất là mức thưởng cổ phiếu 17% hồi cuối năm 2011, tức cách đây đã hơn một thập kỷ.

Trước đó vào 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có văn bản chấp thuận việc tạm chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Eximbank là 29,97043% vốn điều lệ theo phương án được HĐQT thông qua.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA EXIMBANK

Nhãn Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022
Lãi trước thuế Tỷ đồng 61 391 1018 827 1095 1340 1205 3709

Trong năm qua, ngân hàng thương mại này ghi nhận tổng cộng hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu gấp rưỡi so với năm liền trước. Khấu trừ chi phí giúp Eximbank thu về 3.709 tỷ đồng lãi trước thuế năm vừa qua, tăng trưởng 207%.

So với kế hoạch tham vọng 2.500 tỷ đồng trước thuế được đề ra cho cả năm, doanh nghiệp này thậm chí còn hoàn thành vượt đến 48% chỉ tiêu kinh doanh và là mức lãi cao nhất một thập kỷ.

Sang năm 2023, ban lãnh đạo nhà băng này đặt mục tiêu thu về 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mức tăng 35%. Một số chỉ tiêu khác được Eximbank đưa ra gồm dư nợ tín dụng dự kiến tăng 14%, lên 146.600 tỷ đồng; huy động vốn tăng 12%, đạt 165.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%.

Bất chấp kết quả kinh doanh đang tốt dần thì câu chuyện nhân sự thượng tầng vẫn chưa ngã ngũ. Cơ cấu cổ đông của nhà băng vẫn liên tục biến động với hai nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Công và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) mới đây thoái hết vốn.

Phiên Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 gần đây với nội dung chính để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) của ngân hàng đã không thể diễn ra với lý do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bạn đang đọc bài viết "Eximbank tăng vốn sau hơn một thập kỷ" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com