10 năm chọn lối sống "Thu nhập nhân đôi, không con cái": Đến tuổi già, hối hận có kịp hay không?

01/04/2023 16:01

Đứng trước thời gian và áp lực, không ít người nảy ra một câu hỏi quen thuộc nhưng không dễ trả lời: “Lựa chọn này liệu có xứng đáng hay không?”

‏Xuất hiện từ những năm 1980, thuật ngữ DINK (Dual Income, No Kids: 2 thu nhập, không con cái) được sử dụng để mô tả một dạng cấu trúc gia đình phi truyền thống trong xã hội đương đại.‏

‏Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009, xu hướng DINKs càng trở nên rõ rệt. Hiện nay, khi kinh tế gia đình và sự tự do cá nhân cũng được xem trọng không kém gì các giá trị gia đình truyền thống, các đôi lại có thêm lí do để theo đuổi lối sống này.‏

‏Tuy nhiên, khi bạn lựa chọn DINK, nhất là trong bối cảnh một nước Á Đông, cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt nhiều thách thức.‏

photo-1680323978177

‏Giống như tất cả những người muốn có con, những người không muốn có con đều có lý do riêng của họ.‏

‏"Tôi không có một người cha đủ tư cách để làm gương cho mình." Anh Lý (39 tuổi, người Trung Quốc) chia sẻ. Bị ảnh hưởng bởi những ký ức thời thơ ấu, anh không tự tin trong việc kết hôn và sinh con nên đã lựa chọn lối sống DINK.‏

‏Cha của anh là một người bốc vác bình thường, còn mẹ anh là giáo viên Ngữ văn cấp 2. Họ lấy nhau qua mai mối và khi tuổi đã ngoài 30. Ngoài những giao tiếp cần thiết trong cuộc sống hàng ngày, cả hai không có ngôn ngữ chung.‏

‏Khi còn nhỏ, anh Lý gần gũi với mẹ hơn, nhưng điều này khiến cha anh cảm thấy bị "bỏ quên". Vì vậy, ông thường thể hiện ham muốn kiểm soát và dùng bạo lực mạnh mẽ để nhấn mạnh địa vị chủ gia đình.‏

‏Ngày ba bữa cơm, người nhà ngồi quây quần, lẽ ra đó là khoảng thời gian rất thoải mái, nhưng anh Lý luôn ăn trong lo sợ. Vì cha của anh đã đặt ra một quy tắc trên bàn ăn: ăn một miếng cơm, một miếng thức ăn và tới một miếng rau, theo đúng thứ tự đó, không được lộn xộn. ‏

‏Đôi khi, trong lúc vô tình ăn hai miếng thức ăn liên tiếp, cha anh ngồi bên cạnh đã tát một cái khiến anh chảy máu mũi. ‏

‏Ở trong lòng anh, cha luôn là một tồn tại đặc biệt đáng sợ. Thời thơ ấu như vậy đã ảnh hưởng đến quan điểm của anh ấy về hôn nhân và vấn đề sinh sản sau này. Bản thân anh Lý không nghĩ mình có thể làm một người cha tốt trong tương lai.‏

‏Có một câu nói rằng: "Người may mắn dùng tuổi thơ để chữa lành cả tương lai, còn người bất hạnh dùng cả tương lai để chữa lành tuổi thơ của mình."‏

‏Đối với một số người mang trong mình những ám ảnh thuở nhỏ, họ quá hiểu những tổn thương mà cha mẹ có thể để lại cho con cái nếu họ "làm không tốt". Bản thân họ cũng không biết liệu mình có "đủ tốt" để tránh tiếp tục kéo dài những tổn thương hay không.‏

‏Lối sống DINK thường bị dán nhãn là "ích kỷ", nhưng thực tế, sự đánh giá này chưa chắc đã công bằng.‏

photo-1680323982519

‏Hầu hết những người chọn DINK ở độ tuổi 60 và 70 quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc tại gia và viện dưỡng lão, thậm chí nhiều người đã bắt đầu sắp xếp kế hoạch tang lễ cho bản thân, hoặc lên kế hoạch hiến xác.‏

‏"Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Khi ngày đó đến, bất kể hoàn cảnh ra sao, hãy cứ chấp nhận nó", đó là suy nghĩ của vợ chồng ông Âu (49 tuổi) và bà Sính (47 tuổi). ‏

‏Năm 2000, cả hai tình cờ quen biết nhau để rồi 6 năm sau, họ chính thức nên vợ nên chồng. Trước khi kết hôn, bà Sính đã tiết lộ mình không có ý định sinh con. ‏

‏"Sinh con không phải là nghĩa vụ bắt buộc của phụ nữ", bà cho biết mình không muốn bị con cái trói buộc và tin rằng, phụ nữ đương đại nên theo đuổi một cuộc sống tự do hơn.‏

‏Thật bất ngờ, ông Âu lại đồng ý rất dễ dàng: "Tôi thấy không sao cả, chúng ta ở bên nhau vì tình yêu chứ không phải vì sinh con."‏

photo-1680323987177

‏Không có sự căng thẳng của việc nuôi dạy con cái, chất lượng cuộc sống của họ vượt xa so với các cặp đôi cùng thế hệ. Hai người mua một căn nhà ở khu vực không quá xa nội đô, một người chịu trách nhiệm trả khoản vay bằng tiền lương của mình, còn người kia chịu trách nhiệm tiết kiệm và quản lý tài chính. Họ đi du lịch khắp nơi trong những ngày nghỉ.‏

‏Năm 2020, họ lần lượt xin nghỉ việc và bắt đầu hành trình đi khắp đất nước và thế giới. Lúc đó, họ chỉ mới đến gần ngưỡng U50 nhưng đã có một cuộc sống về hưu đáng ghen tị.‏

‏Tháng 4 năm ngoái, đôi vợ chồng đã đến Tây Tạng (Trung Quốc) để khám phá sông băng, đi dạo dọc theo những con suối, trải nghiệm cảm giác tuyết rơi trắng muốt phủ khắp tầm mắt.‏

‏20 năm bên nhau, họ vẫn luôn là một gia đình hạnh phúc, dù thiếu vắng những đứa trẻ. ‏

photo-1680323993171

‏Nhưng không phải người nào chọn DINK nào cũng có thể kiên trì đến cùng. Ở độ tuổi gần 40, N. bắt đầu thấy hối hận. Khi nhìn những người bạn xung quanh lần lượt tận hưởng niềm vui có con cái quây quần, cô bắt đầu cảm thấy sự khao khát nhen nhóm trong mình.‏

‏Cô bắt đầu không ngừng tự hỏi bản thân: "Mình thật sự sẽ không có con cả đời hay sao?" Chính bản thân cô cũng không thể đưa ra câu trả lời khẳng định.‏

‏Sau khi nói chuyện trực tiếp với gia đình và người thân, cuối cùng, N. vẫn quyết định sẽ sinh con. May mắn thay, từ khi mang thai đến khi sinh nở, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ.‏

‏Đứa trẻ đang lớn lên từng ngày và N. bắt đầu cảm thấy niềm vui khi được nuôi dạy con cái. Cô cho biết, chính đứa trẻ đã hoàn thiện nhân cách của cô và khiến cô hiểu tâm lý các bậc cha mẹ hơn.‏

‏Cuối cùng cô ấy đã buông bỏ nỗi ám ảnh về "DINK".‏

‏Lời kết‏

‏Đó là lựa chọn, không phải nghĩa vụ hay trách nhiệm.‏

‏Thực ra, dù theo đuổi DINK đến cùng hay "hối hận" nửa chừng, thì đó vẫn là lựa chọn của chính bạn. Mọi thứ xuất hiện trong cuộc đời sẽ khiến con người ta trưởng thành. Nhưng bạn nên hiểu rằng, sinh sản không phải là một nghĩa vụ, mà là một quyền lợi. Sinh và không sinh chưa bao giờ đối lập nhau, không có đúng hay sai, tốt hay xấu.‏

‏Dưới cái nhìn bình đẳng về cuộc sống, sự lựa chọn của mỗi người cần được tôn trọng. Mỗi con đường sẽ có những khung cảnh khác nhau. Ai rồi cũng sẽ đến đích của riêng mình.‏

‏Điều quan trọng nhất là chúng ta có chịu trách nhiệm với quyết định của mình hay không.

(*Nhân vật trong bài đã đổi tên)

Bạn đang đọc bài viết "10 năm chọn lối sống "Thu nhập nhân đôi, không con cái": Đến tuổi già, hối hận có kịp hay không?" tại chuyên mục PHONG CÁCH SỐNG. Tin bài cộng tác vui lòng liên hệ hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com